Ngày 25-3, phát biểu tại hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang bước sang giai đoạn 2. Kỳ họp tới (dự kiến diễn ra trong 2 tháng 5 và 6-2025), Quốc hội sẽ tiến hành sửa Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thông qua nghị quyết sắp xếp tổ chức lại cấp xã trước ngày 30-6-2025. Từ ngày 1-7-2025, các nghị quyết sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã sẽ có hiệu lực thi hành.
Sẵn sàng với cuộc cách mạng thần tốc
Ngày 18-3-2025, tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự kiến sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30-6 để ngày 1-7-2025 vận hành, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30-8 và đi vào vận hành từ ngày 1-9-2025.
Hệ thống chính trị Bình Phước vẫn hoạt động thông suốt, hiệu quả trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Hai ngày sau, ngày 20-3-2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW có Công văn số 43-CV/BCĐ cũng nêu lộ trình: Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30-6-2025. Ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhân sự giới thiệu HĐND cấp tỉnh bầu các chức danh theo quy định nhiệm kỳ 2021-2026… hoàn thành trước ngày 30-8-2025.
Thế nên, thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập cấp tỉnh trước ngày 30-6, từ ngày 1-7-2025 các nghị quyết có hiệu lực thi hành, nhiều người đã dự báo cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Đến thời điểm này, toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công ăn lương trong cả hệ thống chính trị đã sẵn sàng với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ý chí quyết liệt hơn
Một tháng trước, trong bài “Một tất yếu không thể cưỡng cầu khác được” trên Báo Bình Phước ngày 26-2-2025, tác giả bài viết đó, cũng là tác giả bài viết này đã đánh giá: Chỉ sau hơn 3 tháng phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW diễn ra ngày 19-11-2024, bộ máy của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới tất cả các cấp, các ngành đã được đổi mới, sắp xếp lại. Một số bộ, cơ quan ngang bộ sáp nhập, kết thúc hoạt động. Ở địa phương là các sở, phòng cũng tương tự, đồng thời một số xã cũng đã được sáp nhập lại… Tất cả được thực hiện đồng bộ và nhanh chóng chưa từng thấy. Ngay trong hệ thống chính trị, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, nhiều người cũng ngạc nhiên. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra với tinh thần của một cuộc cách mạng thần tốc.
Thời điểm ấy cả hệ thống chính trị đang thực hiện Kết luận số 126-KL/TW ngày 14-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy không ảnh hưởng đến tổ chức đại hội đảng các cấp, nghiên cứu sắp xếp bỏ cấp huyện, tiếp tục sắp xếp cấp xã, định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2025. Và bài viết đã nhận định: Phần nhiệm vụ bước đầu khó khăn, quan trọng đã hoàn thành (sáp nhập bộ, sở, ngành) và đó mới chỉ là nhiệm vụ bước đầu. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được tiếp tục thần tốc hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, khi các vấn đề đã được định hướng, chỉ đạo cụ thể.
Thực tế đã diễn ra đúng như thế, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã thần tốc hơn: Ngày 28-2-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127-KL/TW. Các vấn đề đã được định hướng rõ hơn, cụ thể hơn, như: Xây dựng đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức quân đội; tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện; xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã… Các mốc thời gian rõ đến từng ngày, như “Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng chậm nhất ngày 9-3-2025”, “Hoàn thiện đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương trước ngày 7-4-2025”…
Và trong một tháng qua, đúng với tinh thần của một cuộc cách mạng thần tốc, các cột mốc trong lộ trình tinh gọn bộ máy liên tiếp được chinh phục, vượt qua từ Trung ương đến địa phương. Tốc độ ngày một nhanh hơn, ý chí ngày một quyết liệt hơn.
Không chỉ thần tốc, thông suốt mà không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và cộng đồng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cũng được thực hiện một cách khoa học, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của tất cả tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế.
Ít tháng trước, nhân dân cả nước còn lâng lâng vui sướng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết tâm với một tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc rất khó, nhưng khó mấy cũng làm, vì hiện bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp trung gian dẫn tới nhiều công việc ách tắc, và “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Một quý gần đây, nhân dân cả nước tiếp tục tăng thêm cả niềm vui và niềm tin, khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần khẳng định chắc như đinh đóng cột: Tinh gọn bộ máy không thể “xếp hàng xong mới chạy”, mà phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Ngày 25-3, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ xây dựng được đồng loạt đưa tin. Theo đó, dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên, 52 đơn vị còn lại phải sắp xếp, cấp xã có 9.996/10.035 đơn vị phải sắp xếp.
Các đơn vị cấp tỉnh dự kiến giữ nguyên, gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy 99,61% số đơn vị cấp xã phải sắp xếp (trừ một số xã thuộc diện đặc biệt như hải đảo, núi cao hiểm trở…) và cấp tỉnh địa phương nào phải sắp xếp đã được xác định.
Tất cả trong trạng thái “on”
Trong những ngày qua, không chỉ Trung ương, các cơ quan chức năng ở địa phương trong cả nước cũng “vừa chạy vừa xếp hàng” với một tốc độ nhanh chưa từng có, rất nhiều cơ quan, bộ phận làm những việc chưa từng làm, như: Nghiên cứu, đề xuất phương án sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã sao cho hợp lý, hợp tình.
Như tại Bình Phước, hiện có 111 xã, phường, thị trấn. Thực hiện chủ trương mới, sẽ chỉ còn khoảng 25 đơn vị hành chính cấp xã, không còn đơn vị hành chính cấp huyện. Vậy sắp xếp như thế nào để bảo đảm sau sắp xếp kinh tế - xã hội toàn tỉnh phải tốt hơn, thuận lợi phát triển hơn, cả với thành thị và nông thôn, cả vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ máy hành chính phải tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách hơn… Đó là bài toán không dễ.
Song song đó, Bình Phước trong diện phải sáp nhập tỉnh, các mục tiêu kinh tế - xã hội, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước năm 2025 chắc chắn phải được điều chỉnh, thích ứng với tình hình mới. Quy hoạch địa bàn Bình Phước trong thời gian tới chắc chắn cũng được điều chỉnh, thay đổi và sẽ được triển khai ngay từ lúc này…
Rất nhiều vấn đề vĩ mô như thế. Cả với các đơn vị ngành dọc trên địa bàn. Và cả những vấn đề vi mô, không chỉ phạm vi cơ quan, đơn vị, mà liên quan đến một bộ phận khá nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, không chỉ việc làm mà với cả chỗ ăn chỗ ở, với hạnh phúc gia đình, cả người lớn và trẻ nhỏ… Tất cả đều trong trạng thái “on”, sẵn sàng với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Và không chỉ Bình Phước, các địa phương khác trong cả nước cũng thế. Toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cả hệ thống chính trị đã sẵn sàng với cuộc cách mạng thần tốc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Và phần lớn đều mong muốn việc sắp xếp, tinh gọn diễn ra nhanh hơn, sớm hoàn thành hơn.
Trần Phương