Tinh gọn bộ máy: Cho ý kiến về đề án hợp nhất, điều chỉnh tên mới theo địa danh

Tinh gọn bộ máy: Cho ý kiến về đề án hợp nhất, điều chỉnh tên mới theo địa danh
8 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 42, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Công Luật/TTXVN
Ưu tiên bố trí các trụ sở dôi dư cho giáo dục, y tế
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức hội nghị lần thứ 42 để xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh Ninh Bình và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định năm 2025.
Theo dự thảo Đề án, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định sẽ được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình có diện tích 3.942,6km, quy mô dân số 3.818.700 người, có 129 đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc (97 xã, 32 phường).
Thực hiện nhập nguyên trạng các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương. Sau sắp xếp, giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp.
Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các sở và tương đương sau sắp xếp đặt tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trên cơ sở sử dụng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh Ninh Bình hiện nay. Riêng trụ sở cơ quan thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục trước mắt giữ nguyên như trước sắp xếp.
Các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp (thủ tục hành chính, tiếp công dân, đất đai, môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự...) căn cứ vào tình hình thực tế có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ công chức, viên chức, người làm việc đồng thời tại các cơ sở và sử dụng trụ sở làm việc hiện tại của các tỉnh Nam Định, Hà Nam (trước sắp xếp).
Về dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định, trên cơ sở kết quả rà soát tiêu chuẩn về diện tích, dân số của các địa phương, tỉnh Nam Định dự kiến sau sắp xếp còn 57 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8 phường, 49 xã), giảm 118 đơn vị hành chính cấp xã (trước sắp xếp có 175 đơn vị hành chính cấp xã), tỷ lệ giảm là 67,43%; sau sắp xếp sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Cùng với đó, giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp.
Việc xử lý trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã tại Nam Định sau sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc: Một trụ sở cho Đảng ủy cấp xã mới; một trụ sở cho Hội đồng nhân dân và UBND cấp xã mới; các trụ sở còn lại (nếu có) bố trí làm trụ sở của các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp xã (ưu tiên cho các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục và y tế).
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Công Luật/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn cho biết, các đại biểu đã thảo luận, tham gia phát biểu ý kiến rất dân chủ, thẳng thắn, đưa ra những vấn đề mới, hệ trọng, mang tính lịch sử và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao đối với những nội dung quan trọng, cốt lõi của các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Xác định khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khuyến khích cử tri, nhân dân tích cực, trách nhiệm tham gia việc lấy ý kiến đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm theo đúng yêu cầu; khẩn trương xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn tại cơ sở; đồng thời thực hiện rà soát cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp để giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Điều chỉnh tên xã, phường mới theo địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống
Ngày 21/4, sau khi xem xét, thảo luận Tờ trình của Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Nam, căn cứ kết quả biểu quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XXII quyết định thống nhất điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới tại Nghị quyết số 45-NQ/TU về sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đảng ủy UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam vào ngày 26/4/2025 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo phương án ban hành tại Nghị quyết số 45 của Tỉnh ủy, trong hai ngày (19 - 20/4), có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến. Các cử tri tán thành với việc sắp xếp cấp xã đạt tỷ lệ 97,66% và có 98,52% cử tri tán thành việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, cử tri mong muốn đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp theo địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, không nên đặt tên theo số thứ tự.
Tại Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy ngày 21/4, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý sôi nổi và thống nhất sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.
Rất nhiều tên đất, tên làng cũ đã đi vào lịch sử và đi vào đời sống của bao thế hệ người con xứ Quảng được dùng để đặt tên xã phường mới như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ); Thanh Châu, Thanh Hà (thành phố Hội An); Thượng Đức (huyện Đại Lộc); Việt An (huyện Hiệp Đức); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang)…
Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt tên cho các xã mới.
Chiều cùng ngày, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã, phường mới. Qua đó, 88 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới đều được đặt tên dựa theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương như mong muốn của đa số cử tri, nhân dân trong tỉnh đề xuất, kiến nghị, thay vì đánh số thứ tự như phương án ban đầu.
Trần Tĩnh - Công Luật (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-cho-y-kien-ve-de-an-hop-nhat-dieu-chinh-ten-moi-theo-dia-danh-20250421221255131.htm