Thạc sỹ Kiều Công Thược, Chủ tịch VNFUND. (Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Việt Nam đang thực hiện cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tinh giản biên chế là một trong những chiến lược quan trọng của quá trình này có tác động mạnh mẽ đến lực lượng lao động trong khu vực công. Những biến động này cũng mở ra cơ hội mới cho người lao động khi họ có thể chuyển sang khu vực tư nhân, tự khởi nghiệp hoặc tham gia vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp hiệu quả và bền vững trở thành nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
Từ kinh nghiệm quốc tế
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của toàn xã hội.
Thạc sỹ Kiều Công Thược, Chủ tịch Quỹ Phát triển Việt Nam (VNFund), đánh giá tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam mà còn là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển đã đẩy mạnh thực hiện cắt giảm nhân sự trong bộ máy hành chính công.
Trong quá trình đó, nhiều chính phủ đã có chính sách và mô hình hỗ trợ chuyển đổi nghề hiệu quả đối với lao động khu vực công. Những chính sách này không đơn thuần là tìm kiếm công việc mà còn liên quan đến hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, tâm lý thích nghi và khả năng hòa nhập với thị trường lao động mới.
Tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo ông Kiều Công Thược, tại Mỹ, Chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA) mang đến lợi ích và hỗ trợ cho những người lao động bị thất nghiệp hoặc bị đe dọa mất việc do tác động của thương mại quốc tế. Chương trình tạo cơ hội cho những người lao động bị ảnh hưởng bất lợi có được các kỹ năng.
Chính phủ Hàn Quốc có chính sách chuyển đổi nghề trong khu vực công thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính. Theo đó, khi doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động được lấy từ chi phí bảo hiểm lao động.
Để nhận chi phí đào tạo này, doanh nghiệp phải đăng ký và mua bảo hiểm lao động. Chính phủ Hàn Quốc tập trung ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỷ lệ 100%, 60% cho doanh nghiệp lớn và 40% cho doanh nghiệp sử dụng trên 1.000 lao động.
Ông Kiều Công Thược nhận định tại Việt Nam quá trình xây dựng chính sách và hỗ trợ lao động chuyển đổi công việc từ khu vực công sang tư vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết. Thách thức đầu tiên là nước ta chưa có cơ chế đào tạo nghề chuyên biệt cho lao động khu vực công sau sáp nhập. Tâm lý và văn hóa làm việc cũng là thách thức không nhỏ khi phần lớn công chức, viên chức khi làm việc tại khu vực công đã quen với môi trường làm việc, mức lương ổn định.
Hạn chế về kỹ năng phù hợp cũng là một trong những yếu tố khó khăn đối với lao động khu vực công. Từ kinh nghiệm quốc tế, theo ông Kiều Công Thược các yếu tố thành công trong hỗ trợ chuyển đổi nghề gồm định hướng nghề nghiệp từ sớm và tư vấn chuyên sâu; hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới phù hợp với thị trường lao động; chính sách tài chính hỗ trợ chuyển đổi nghề (trợ cấp, vay ưu đãi, quỹ bảo hiểm...) và kết nối với khu vực tư nhân để tạo cơ hội việc làm mới.
“Ở mỗi giai đoạn cần có chính sách riêng, đảm bảo sự linh hoạt và ổn định xã hội,” ông Kiều Công Thược nhấn mạnh.
Giảm số lượng nhưng tăng chất lượng
Tinh giản biên chế là chủ trương quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm gánh nặng ngân sách và xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, minh bạch. Đây là giải pháp cốt lõi giúp tối ưu nguồn lực, hiện đại hóa bộ máy và thúc đẩy phát triển đất nước.
Hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp không chỉ góp phần giảm áp lực thất nghiệp mà còn thúc đẩy các ngành kinh doanh phát triển, mở rộng thị trường lao động và tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn nhân lực.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Tổng Giám đốc Công ty VOVINAM Digital. (Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Chia sẻ trải nghiệm của bản thân, ông Bạch Ngọc Chiến, Tổng Giám đốc Công ty VOVINAM Digital, cho rằng tinh gọn là tất yếu cho sự phát triển. Đây là cơ hội để giữ chân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bộ máy nhà nước. Chuyển từ khu vực công ra làm việc tại khu vực tư, lao động khu vực nhà nước có lợi thế tư duy hệ thống, quy trình, có thể tham gia đóng góp đối với khối tư nhân.
Ông Bạch Ngọc Chiến đề xuất áp dụng hệ thống đánh giá nhân sự trong bộ máy nhà nước để khuyến khích sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước gần 20 năm, Tiến sỹ Doãn Hữu Tuệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt, bộc bạch năm 2011, ông chuyển sang làm trợ lý giám đốc của một công ty tư nhân. Quyết định đúng đắn này tạo cơ hội cho ông nhìn nhận, đánh giá toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Khu vực công và khu vực tư khác nhau hoàn toàn. Khác biệt nhất là vị thế của người lao động. Doanh nghiệp tư nhân không cần biết người lao động có bằng cấp như thế nào, chức vụ trước đó ra sao, quan trọng nhất với họ là đóng góp như thế nào cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đánh giá bằng định lượng, hiệu quả công việc.
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Đỗ Hương Lan, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khẳng định: “Chuyển đổi nghề không phải là mất mát mà là cơ hội của người lao động.” Với vai trò là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã triển khai nhiều nghiên cứu, hội thảo khoa học, thực hiện các báo cáo đánh giá, đề xuất các khuyến nghị chính sách, tư vấn chính sách về an sinh xã hội và các vấn đề lao động và việc làm. Trong đó, Viện Chính sách và Quản lý đã hợp tác với một số doanh nghiệp xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ người lao động với hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp ROAD2NEXT. Đây là hệ sinh thái đa chiều, giúp người lao động khu vực công tái định vị bản thân, đánh thức những khả năng tiềm ẩn hoặc “ngủ quên” và vượt qua thách thức khi rời nhà nước.
Bên cạnh đó, người lao động được tái đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, tìm thấy các cơ hội phát triển nghề nghiệp mới và chuyển đổi nghề nghiệp thành công và bền vững phù hợp với năng lực cá nhân cũng như nhu cầu thị trường.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy.
Khi nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức giảm, thị trường lao động sẽ chuyển dịch chủ yếu sang khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài là tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư thuận lợi, đúng pháp luật./.
(TTXVN/Vietnam+)