Công dân làm thủ tục hành chính tại phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Mạnh Khánh/TTXVN
Nhiều nhà khoa học cho rằng, công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thực sự là một cuộc cách mạng thay đổi về chất trong hệ thống chính trị. Từ đó, giúp đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cơ chế hữu hiệu để sàng lọc
Tiến sỹ Phan Thanh Hà, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, về mặt thực tiễn, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Việt Nam đã tích lũy được nền tảng thế và lực, hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến sỹ Phan Thanh Hà nhận thấy, sự khác biệt quan trọng của cuộc tinh gọn lần này chính là sự thay đổi căn bản, sâu sắc về cách tiếp cận cũng như thái độ, quyết tâm chính trị cao của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Đặc biệt, cách tiếp cận và quyết tâm này hoàn toàn có cơ sở vững chắc khi công cuộc tinh gọn này đã bước vào thời điểm chín muồi về tiềm lực vật chất, con người, vị thế, uy tín…vốn đã được xây dựng, tích lũy trong một quá trình dài lâu, như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tiến sỹ Phan Thanh Hà nhận định, công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này hứa hẹn là một cuộc cách mạng đúng nghĩa với sự thay đổi về chất, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước thời kỳ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Tâm đắc với nội dung “tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh” mà Tổng Bí thư đề cập trong bài viết, Tiến sỹ Phan Thanh Hà cho rằng, vấn đề này đã và đang được minh họa vô cùng rõ ràng, sống động trên thực tế, giúp hiểu rõ hơn quan điểm, đường lối, nguyên tắc, nội dung của cuộc tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị, đúng tính chất của một cuộc "cách mạng". Điểm đáng chú ý, trong đợt tinh gọn này chính là yêu cầu thiết kế cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Đây là một yếu tố quan trọng nhưng không kém phần nhạy cảm và chưa thực sự phát huy trên thực tế.
Quan tâm đến chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước hoạch định dành cho tầng lớp trí thức trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy và sau khi đã sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy để có thể phát huy, thúc đẩy giới khoa học sáng tạo, đổi mới, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, Tiến sỹ Phan Thanh Hà đề xuất, trong quá trình tinh giản cần phải được thực hiện một cách công khai, khoa học, triệt để từ việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, nguyên tắc, với việc ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, cho đến việc đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động... Đối với từng trường hợp cụ thể, cũng cần bảo đảm tốt việc sắp xếp các vị trí luân chuyển cũng như các chế độ cho những người phải tinh giản biên chế, ra khỏi ngành một cách hợp tình, hợp lý.
Tăng cường tự chủ, năng lực quản trị
Đồng quan điểm trên, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đến nay, tổ chức bộ máy cấp, ngành ở Trung ương và tỉnh đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung giảm được số lượng người xin nghỉ chế độ trước tuổi mà chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ cho biết, tỷ lệ tinh giản biên chế của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2021 đạt 10%. Hiện nay, cả tỉnh có 22 Sở, ngành và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; không kể các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội của tỉnh được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các đơn vị sự nghiệp, trung tâm, trạm, phòng, ban trực thuộc thuộc các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị quản lý.
Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ nêu quan điểm, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc hợp nhất các cơ quan của đảng, đơn vị hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với việc tăng cường thực hiện kiêm nhiệm các chức danh được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, cơ sở. Đồng thời, tinh giản biên chế cần tiến hành rà soát lại các định mức chi, thực hiện tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị nhà nước để dành nguồn lực tăng chi cho đầu tư phát triển; từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo chuyển biến căn bản cả về chất và lượng trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước.
Đề xuất giải pháp tinh gọn bộ máy tại tỉnh Hà Giang, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ cho rằng, các cấp ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, các Trung tâm bên trong thuộc các Sở, ngành của tỉnh theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi mô hình hoạt động từ tự chủ một phần sang tự chủ 100% về ngân sách.
Diệu Thúy (TTXVN)