Tinh gọn bộ máy - đại hội thành công

Tinh gọn bộ máy - đại hội thành công
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Đây là thời điểm then chốt để khẳng định quyết tâm chính trị, tạo dựng nền móng vững chắc cho một nhiệm kỳ phát triển đột phá, bền vững.
Trong bối cảnh nhiều địa phương đang tiến hành hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, tinh thần chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam quan trọng, hướng dẫn rõ ràng các bước xây dựng phương án nhân sự cấp tỉnh và cấp xã sau sáp nhập, trên tinh thần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Mỗi bước đi đều được xây dựng, triển khai cẩn trọng: từ việc chuẩn bị phương án nhân sự chủ chốt đến việc tổ chức hội nghị liên tỉnh để thống nhất quan điểm, định hướng phân công cán bộ. Trung ương yêu cầu phải bảo đảm sự liên tục trong lãnh đạo, tuyệt đối không để gián đoạn bộ máy hành chính và hệ thống chính trị cơ sở. Đây là bài toán lớn đặt ra cho các địa phương - vừa phải tổ chức lại bộ máy, vừa phải chuẩn bị chu đáo cho đại hội, trong một khoảng thời gian ngắn nhưng yêu cầu chất lượng cao, hiệu quả rõ rệt.
CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ, ĐỒNG BỘ TỪNG BƯỚC
Tinh thần chủ động, thống nhất, quyết liệt thể hiện rõ từ Trung ương đến các địa phương. Kết luận số 150-KL/TW nhấn mạnh, Ban Tổ chức Trung ương sẽ là cơ quan đầu mối, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng phương án nhân sự cụ thể đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại địa phương sau khi sáp nhập. Mỗi phương án đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, và các đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Điểm mới của quy trình này là sự kết nối trách nhiệm giữa các địa phương trong diện sáp nhập. Lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công sẽ trực tiếp chủ trì các cuộc họp với bí thư tỉnh ủy, thành ủy liên quan. Đây là không gian để đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn, từ đó hình thành phương án nhân sự mang tính đại diện, bao quát và phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, các địa phương cũng sẽ chủ động đề xuất định hướng phân công cán bộ, không chỉ cho giai đoạn hiện tại mà cả nhiệm kỳ tiếp theo - điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn, ổn định và bền vững trong xây dựng đội ngũ lãnh đạo.
NHÂN SỰ CẤP XÃ: GẮN TRÁCH NHIỆM VỚI THỰC TIỄN
Nếu như cấp tỉnh là nơi thể hiện tầm chiến lược, thì nhân sự cấp xã chính là nơi thể hiện chiều sâu tổ chức. Việc xây dựng phương án nhân sự cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chịu trách nhiệm toàn diện.
Trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện và số lượng quy định rõ trong các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, việc xây dựng phương án nhân sự cấp xã không chỉ là “công tác tổ chức” mà còn là sự đầu tư cho gốc rễ hệ thống chính trị ở cơ sở. Một đội ngũ mạnh ở xã sẽ tạo nên nền móng vững chắc cho sự ổn định, phát triển lâu dài.
Đặc biệt, Trung ương yêu cầu các tỉnh phải tổng rà soát kỹ nguồn cán bộ cấp huyện và xã trước khi sáp nhập, bảo đảm phương án nhân sự có tính kế thừa, phát huy nhân tố mới, không bị động hay gián đoạn. Sự vào cuộc chủ động này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức, mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngay từ những cấp gần dân nhất.
LÂM ĐỒNG CHỦ ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM, QUYẾT LIỆT
Tại Lâm Đồng, một trong những địa phương trọng điểm trong đợt sắp xếp tổ chức hành chính lần này, công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp đang được triển khai khẩn trương, bài bản. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã sớm xây dựng đề cương Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng mới, lấy ý kiến hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông, nhằm hoàn thiện phương án trước ngày 30/5/2025.
Về chuẩn bị Văn kiện đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với hai tỉnh bạn, tiếp nhận các dự thảo báo cáo chính trị và đang tổng hợp, xây dựng dự thảo văn kiện mới của tỉnh Lâm Đồng để kịp trình vào cuối tháng 5.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đã có chỉ đạo rất rõ ràng: Việc xây dựng văn kiện cần phải thể hiện được tinh thần “3 phát triển”: mở rộng không gian phát triển, đúng tầm vóc tỉnh mới và đặc biệt là có khát vọng vươn mình, có tính đột phá. Những yêu cầu đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là lời hiệu triệu đối với từng cán bộ, đảng viên, từ cấp tỉnh đến cấp xã, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm và tư duy đổi mới trong từng nội dung chuẩn bị cho đại hội.
Một yêu cầu xuyên suốt được nhấn mạnh trong chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm đó là: Tổ chức đại hội phải đúng quy định, nhưng quan trọng hơn là phải thực chất, hiệu quả, không hình thức. Tại các đơn vị sáp nhập, công tác tổ chức đại hội điểm sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng, bảo đảm phản ánh đầy đủ các mô hình tổ chức Đảng mới hình thành sau khi sắp xếp, từ đó rút kinh nghiệm và lan tỏa cách làm hiệu quả. Không chạy theo hình thức, không phô trương - đó là thông điệp mạnh mẽ để đại hội thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là nơi kết tinh trí tuệ, đoàn kết và quyết tâm phát triển của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân.Tinh gọn bộ máy - đại hội thành công không chỉ là một khẩu hiệu, mà là cam kết chính trị, là hành động cụ thể và là niềm tin vào tương lai.
NGUYỆT THU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/tinh-gon-bo-may-dai-hoi-thanh-cong-964526b/