Tinh gọn bộ máy để bước vào kỷ nguyên mới

Tinh gọn bộ máy để bước vào kỷ nguyên mới
20 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn bộ máy tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước
Cuộc cách mạng về tinh gọn: Không triệt để sẽ nửa vời
Mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hệ thống tổ chức bộ máy vẫn đối mặt với nhiều vấn đề cần xử lý. Các cấp, ngành vẫn còn tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, làm giảm hiệu quả quản trị và lãng phí nguồn lực. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa được tái cơ cấu một cách hợp lý, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Điều này không chỉ gây cản trở trong việc triển khai chính sách mà còn làm giảm sút tính sáng tạo, chủ động của cán bộ, tạo ra tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm” và thậm chí phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong phân cấp, phân quyền cũng là một tồn tại lớn. Một số bộ, ngành vẫn “ôm đồm” nhiệm vụ của địa phương, trong khi vai trò tự quản của chính quyền địa phương chưa được phát huy. Việc tinh giản biên chế chủ yếu tập trung vào giảm số lượng nhưng chưa đi đôi với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Thực tiễn đa số các nước trên thế giới cho thấy, ngân sách chi cho lương, chi thường xuyên chỉ vào khoảng 40 - 50% tổng ngân sách, trong khi tại Việt Nam, con số này luôn gần 70%. Đáng chú ý, mặc dù chi lớn như vậy nhưng không phải do chi trả lương cao mà do số lượng biên chế quá nhiều. Có thể coi đây là một trong những biểu hiện cho thấy tính “cồng kềnh” của bộ máy hiện nay. Và đương nhiên, khi chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn sẽ làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ máy cồng kềnh không chỉ gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách rất trúng, rất đúng, song chậm đi vào thực tiễn cuộc sống. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo. Năng suất lao động, hiệu suất công tác, hiệu lực, hiệu quả hoạt động vì vậy cũng thấp đi. Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nếu không được xử lý sớm và quyết liệt sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Chia sẻ trên báo chí, TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được tiến hành trong cả hệ thống chính trị, được thể hiện một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ, nếu làm đến cùng và triệt để thì mới bảo đảm sự thành công. Để đảm bảo hiệu quả, tinh gọn bộ máy không đơn giản là tinh giản con người hay sáp nhập các tổ chức một cách cơ học mà cần được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học, với tầm nhìn dài hạn, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật một cách thường xuyên. Việc thiết kế lại cơ cấu tổ chức cần tính toán thấu đáo, không chỉ nhằm giảm chi phí vận hành, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Chiều 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan và các Phó Thủ tướng chỉ đạo theo các lĩnh vực phụ trách. Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch triển khai; có đề cương chung hướng dẫn việc tổng kết. Các bộ ngành thành lập ban chỉ đạo/tổ công tác để thực hiện chỉ đạo của các cấp và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách đối với các đối tượng chịu tác động, đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác nhân sự, bố trí cán bộ cùng chính sách phù hợp để đảm bảo triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả, không để ảnh hưởng các nhiệm vụ chính trị.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thống nhất nhận thức, quyết liệt hành động
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Tổng Bí thư yêu cầu, việc tổng kết phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; triển khai thực hiện khẩn trương nhưng đảm bảo thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, từ các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài để tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành, trách nhiệm cụ thể, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.
Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Tổng Bí thư nêu rõ, yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt cả nhiệm vụ quan trọng là tăng tốc bứt phá để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đỗ Lê
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tinh-gon-bo-may-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-158333.html