Tinh gọn bộ máy để đất nước 'vươn mình' khác thường

Tinh gọn bộ máy để đất nước 'vươn mình' khác thường
2 ngày trướcBài gốc
Vượt lên chính mình
Trong bốn yếu tố giúp đưa một dân tộc đi đến thành công trong kỷ nguyên mới được GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore đưa ra bao gồm: xúc cảm dân tộc, tính khai sáng, kiến tạo; ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng bộ máy công quyền ưu tú.
Theo ông Khương, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 được trực tiếp đến 14.500 điểm cầu và 1,3 triệu cán bộ, đảng viên tham dự; có ý nghĩa đặc biệt, là câu chuyện kỳ vĩ, dấu mốc để lịch sử và thế hệ tương lai ghi nhận.
Thông điệp đó đã đánh vào xúc cảm của con người, khiến lòng người trỗi dậy. Lần đầu tiên người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần" của mình. Đó là tinh thần dân tộc muôn người như một, để tạo ra sức mạnh cộng hưởng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
Tuy nhiên, để đưa đất nước cùng tiến lên phía trước, việc cải cách xây dựng bộ máy công quyền là hết sức quan trọng.
Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta phải vượt lên chính mình". Đó là kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên hành động, "vươn mình" khác thường.
Trong quá trình vượt lên ấy, quan trọng nhất là thể chế - điểm nghẽn của điểm nghẽn đối với tăng trưởng phải được gỡ bỏ.
Nói đến thể chế thì bộ máy chính là quan trọng nhất. Thể chế bao gồm các thiết chế, pháp luật, hệ thống điều hành các thiết chế đó. Và cải cách bộ máy là việc làm "động chạm" vào hệ thống ấy đầu tiên.
Trước đó, khi đưa ra thông điệp về kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố " lực lượng sản xuất đặt ra vấn đề quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất". Phát động đầu tiên của Tổng Bí thư cũng chính là thay đổi bộ máy quản lý nhà nước.
Đây là yêu cầu tất yếu, bởi theo ông Thiên, từ bộ máy nhà nước mới dẫn đến con người, chứ không phải là ngược lại. "Lâu nay chúng ta chú trọng đến cá nhân nhiều hơn là thay đổi cấu trúc của tổ chức. Song quy trình đúng phải là thay đổi bộ máy trước, cơ chế nhà nước trước", ông phân tích.
Đó là hình mẫu cho sự phát triển của xã hội, đúng với logic của C.Mác: "Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất", hay gọi là kiến trúc từ thượng tầng.
Sự thay đổi từ cấu trúc bộ máy nhà nước, sẽ dẫn đến sự thay đổi, củng cố quan hệ sản xuất mới và thúc đẩy lực lượng sản xuất. Cách đặt vấn đề xử lý tổ chức bộ máy mới là sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV rất đặc biệt, quan trọng và có ý nghĩa.
Việc xây dựng cấu trúc thể chế mới cần đáp ứng được các yêu cầu mới như làm thế nào để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xã hội số, xã hội xanh.
Tất cả những điều đó cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, "vượt cái cũ mà xây mới" để hình thành khung cấu trúc, khung thể chế cho sự vận hành phát triển của kỷ nguyên mới, ông Thiên nhấn mạnh.
Đây là một thách thức rất lớn, song theo vị chuyên gia này, nó đang tạo ra cảm hứng mạnh mẽ trong toàn xã hội và từng bước đã đạt được những thành công nhất định, bởi nó tạo ra được lòng tin, sự cộng hưởng và đồng thuận quốc gia.
Ông Thiên cho rằng, kỷ nguyên mới được xác định bằng những mục tiêu khác thường. Từ một đất nước với trình độ thu nhập trung bình, phát triển chưa cao, nhưng đặt ra những mục tiêu về chuyển đổi số, phát triển xanh, trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, cả đất nước cần phải có những hành động khác thường.
"Những vấn đề mấu chốt về thể chế, cải cách bộ máy buộc Việt Nam phải tự vượt qua. Nếu không vượt qua thì chẳng có kỷ nguyên nào cả, chẳng có vươn mình", ông nói.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm cơ học
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương, lịch sử 94 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Với khát vọng vươn mình của cả dân tộc để đạt được mục tiêu lịch sử vào năm 2045, việc cải cách, tinh gọn bộ máy đang được đặt ra rất bức thiết.
Trước đây, quan điểm quản lý lấy người để bố trí việc đã khiến bộ máy cứ "phình ra" liên tục. Do đó, vấn đề rất lớn hiện nay là buộc phải cải cách tinh, gọn bộ máy.
Tinh gọn bộ máy đang là cuộc cách mạng lớn của cả đất nước, song ông Quát đặc biệt nhất mạnh rằng, không thể tinh gọn một cách cơ học.
Không nên đặt mục tiêu cắt giảm, rút bớt được bao nhiêu người, mà phải thực sự tổ chức một bộ, một cục, một vụ hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện đang diễn ra và có một cơ chế vận hành hiệu quả.
Việc giảm đầu mối chỉ là cách cơ học, thay vào đó, cần tập trung phương thức lãnh đạo để tinh gọn một cách khoa học, để có bộ máy với cơ chế vận hành trơn tru, chứ không phải để có các đầu mối dẫn đến nhiều tầng nấc, cản trở các địa phương, các cấp, các doanh nghiệp.
Ý thứ hai là yếu tố con người trong bộ máy đó. Điều ông Quát lo nhất là sau tinh gọn, người giỏi, người tốt lại đi ra và người lười biếng, bất tài ở lại.
Trong khi đó, thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi rất nhiều tài năng công nghệ. Những người ở lại trong bộ máy phải là nhân tài, tri thức giỏi, yêu nước, khát khao cống hiến vì sự phát triển chung.
Cuối cùng, ông Quát nhấn mạnh, phương thức lãnh đạo về cán bộ phải khoa học, bộ máy tinh gọn nhưng vận hành trơn tru, hiệu lực, hiệu quả. Khi chọn con người thì lấy các nhiệm vụ, công việc của từng vị trí để chọn người có đức, có tài đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí không nhất thiết phải là đảng viên.
Đồng quan điểm, tại tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức", TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được thực hiện rất thần tốc, nhưng không thể chỉ tinh giản cơ học.
Ông Đáng đặt câu hỏi, việc tinh gọn bộ máy quan trọng nhất là bộ máy ấy sau khi tinh gọn như thế nào, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống cơ quan công quyền có thực sự thay đổi, có thực sự khơi dậy khát vọng phát triển của các lực lượng trong xã hội để đóng góp vào tiến trình phát triển của quốc gia hay không?
Bộ máy phải thực sự có trở thành động lực để phát triển đất nước hay không? Đó mới là điều cả đất nước đang kỳ vọng, chứ không phải chỉ đơn giản nhìn thấy bộ máy thu hẹp lại, số lượng nhân sự giảm bớt đi.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này, yếu tố quyết định thành công không chỉ là tinh gọn về số lượng. Đó chỉ là điều kiện cần để tổ chức gọn nhẹ lại, nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại đúng người, đúng việc, đúng khả năng của họ.
"Chúng ta cũng phải chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn. Tôi nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người bởi để hệ thống thể chế có thể vận hành, cuối cùng vẫn là yếu tố con người.
Nếu lực lượng con người không đảm bảo yêu cầu, không thay đổi, ở lại với hệ thống quyền lực tập trung, thì mối nguy hại chính là để cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối, lợi dụng hệ thống chính trị phục vụ cho lợi ích của mình, xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc", ông Đáng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đáng, việc này cần một tiến trình. Trước hết việc gì dễ cần làm trước, còn liên quan đến chất lượng của hệ thống chính trị cần lộ trình tiếp theo. Không phải cải cách đợt này xong là xong mà phải là một tiến trình, được tiến hành thường xuyên.
Ví dụ liên quan đến cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, cần phải làm liên tục. Nhu cầu cải cách, đổi mới hệ thống là nhu cầu thường xuyên để hệ thống chính trị thích ứng được với sự biến đổi của bối cảnh xã hội trong từng giai đoạn khác nhau.
Ở góc nhìn khác, theo GS.TS Vũ Minh Khương, để xây dựng một bộ máy công quyền, hiệu năng, hiệu quả, nên chú ý ba trụ cột: năng lực, động lực và tổng lực.
Nếu chỉ xoay quanh năng lực hay động lực là chưa đủ, mà cần có tổng lực để tạo ra sức mạnh cộng hưởng và cũng là sức mạnh nội sinh.
Nếu chỉ có một vài người năng lực hay có một số động lực trả lương cao, trải thảm đỏ nhưng không có tổng lực cũng sẽ không hiệu quả. Cho nên, trong thiết kế bộ máy tinh gọn, phải rất chú ý yếu tố tổng lực.
"Để phát huy tổng lực, chúng ta hoàn toàn có thể tuyển chọn những người giỏi, người xuất sắc của nước ngoài, cấy vào những vị trí nhất định, để tăng sự cộng hưởng sức mạnh", ông Khương nhấn mạnh và dẫn chứng việc đưa cầu thủ Nguyễn Xuân Son vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam là một ví dụ.
Làm được các yếu tố này, ông Khương tin rằng, đây sẽ là những đột phá giúp Việt Nam phát triển một cách "thần kỳ". Đây cũng chính là cách khơi dậy sức mạnh nội sinh, "càng làm càng mạnh", khiến cả dân tộc trỗi dậy, tạo sức mạnh tổng lực để phát triển tiến vào kỷ nguyên mới.
Phương Linh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/tinh-gon-bo-may-de-dat-nuoc-vuon-minh-khac-thuong-d38603.html