Thái Bình lấy ý kiến 607.000 hộ gia đình về Đề án hợp nhất tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận kiểm tra công tác lấy ý kiến cử tri tại xã An Ninh (huyện Tiền Hải). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Ngày 22/4, tỉnh Thái Bình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án hợp nhất tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có trên 1.700 tổ lấy kiến; thực hiện lấy ý kiến 607.000 cử tri đại diện hộ gia đình. Thời gian hoàn thành việc lấy ý kiến chậm nhất vào 21 giờ ngày 22/4. Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện, thành phố. UBND huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) kết quả lấy ý kiến trên địa bàn.
Tiếp đó, UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp; UBND cấp huyện tổng hợp trình HĐND cùng cấp xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2025. UBND cấp huyện hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ).
Ngay từ sáng sớm, đại diện các tổ dân phố, khu dân cư đã đến từng gia đình để phát phiếu lấy ý kiến người dân. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và tích cực tuyên truyền, đến 15 giờ ngày 22/4, nhiều tổ lấy ý kiến cử tri đã hoàn tất công tác và đang thực hiện việc tổng hợp kết quả.
Theo Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phương án đề xuất là thành lập tỉnh Hưng Yên mới trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 930,20 km2 và dân số 1.474.894 người của tỉnh Hưng Yên với toàn bộ diện tích tự nhiên 1.584,61 km2 và dân số 2.093.049 người của tỉnh Thái Bình.
Sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên 2.514,81 km2, quy mô dân số 3.567.943 người, dự kiến có 104 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành sắp xếp từ 242 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (gồm 223 xã, 10 phường, 9 thị trấn) thành 65 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 60 xã và 5 phường), giảm 177 đơn vị, tương đương khoảng 73%.
Cụ thể: Thành phố Thái Bình có 5 phường; huyện Vũ Thư 6 xã; huyện Tiền Hải, Hưng Hà mỗi huyện có 8 xã; huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương mỗi huyện có 9 xã; huyện Thái Thụy 11 xã.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra công tác lấy ý kiến cử tri tại xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Thành lập tỉnh Bắc Ninh mới bảo đảm hài hòa, tạo động lực cho phát triển
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2025 do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 22/4, Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh mới được các đại biểu cho ý kiến sôi nổi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu, Sở Nội vụ Bắc Ninh tiếp tục tập trung tinh thần cao nhất, phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang bổ sung thêm nội dung trong Đề án, nghiên cứu nơi đặt Trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Ninh mới cần mang tầm vóc là Trung tâm kết nối giữa các trục cảnh quan, các công trình trọng điểm với tầm nhìn xây dựng tỉnh Bắc Ninh mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tôn trọng ý kiến nhân dân, bảo đảm nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Đây là Đề án quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh mới. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có nội dung trong Đề án tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Nội vụ Bắc Ninh chậm nhất đến 21 giờ ngày 22/4.
Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp, hoàn thiện Đề án hoàn chỉnh nhất để trình HĐND tỉnh vào ngày 25/4, ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua, gửi báo cáo tới Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, khái quát yếu tố nổi bật của Bắc Ninh về lịch sử văn hóa, chức năng, nhiệm vụ, làm rõ công tác quy hoạch, việc sắp xếp một số đơn vị… bảo đảm hài hòa và tạo động lực mới cho sự phát triển.
Theo báo cáo, việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo tín ngưỡng do cùng có chung nguồn gốc lịch sử, cùng được tách ra từ tỉnh Hà Bắc. Tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 4.718,6 km2, đạt 94,3% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 3.619.433 người, đạt 258,5% so với tiêu chuẩn; 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị - hành chính được đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới tiếp tục phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình, đảm bảo tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương về diện tích tự nhiên đạt 314,6%, tiêu chuẩn về quy mô dân số đạt 241,3% so với quy định.
Qua lấy ý kiến nhân dân, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình của hai tỉnh đồng ý là 781.025 cử tri, đạt 98,21%. Trong đó, cử tri đại diện hộ gia đình tỉnh Bắc Ninh đồng ý là 321.545 cử tri, đạt 97,78%.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp cấp xã, toàn tỉnh có 41 đơn vị hành chính cấp xã mới gồm 20 phường, 21 xã; giảm 80 đơn vị hành chính cấp xã (tương đương 66,11%). Qua lấy ý kiến nhân dân, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý là 316.863 cử tri, đạt 96,35%.
Sau 28 năm cùng tách ra từ tỉnh Hà Bắc, gần đây, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều có bước phát triển rất mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, công nghiệp, dịch vụ thương mại. Trong đó, quy mô nền kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước. Thu nhập bình quân đầu người, thu hút FDI... có sự đồng điệu, đặc biệt là nét văn hóa, phong tục tập quán của hai tỉnh tương đồng do chung nguồn gốc lịch sử.
Đỗ Huyền - Thu Hoài (TTXVN)