Ngày 21/1/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cuộc cách mạng có sức nóng mạnh mẽ
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một trong những quyết sách lớn, có ý nghĩa quan trọng và có sức nóng mạnh mẽ, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị với khí thế toàn Đảng, toàn dân, toàn diện. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành đã thống nhất rất cao về chủ trương sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện mới, đồng bộ, quyết liệt, kiên định mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, dân chủ, công khai.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên thềm Xuân Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm quyết định lựa chọn thời điểm để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy rất đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử, nếu chậm trễ là có lỗi với nhân dân. Đó là thời điểm trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Ngày Quốc khánh với những quyết sách lớn để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới – kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong 2 tháng qua, Bộ Nội vụ đã nỗ lực hết mình, làm việc ngày đêm, không kể thứ Bảy hay Chủ nhật để hoàn thành một khối công việc lớn chưa từng có, trong khoảng thời gian “thần tốc”. Bộ vừa thực hiện những công việc chung về sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị; vừa chủ trì xây dựng, tham mưu các đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ; vừa xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ; xây dựng các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Nhiều ngày liên tục, anh em trong Bộ cặm cụi 2-3 giờ sáng vẫn chong đèn làm việc để kịp hoàn thành nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao.
“Cho đến khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua các đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Vừa là cơ quan tham mưu và cơ quan thường trực của Chính phủ về tinh gọn bộ máy, vừa là bộ thực hiện hợp nhất, ngay từ đầu Bộ Nội vụ đã xác định phải gương mẫu, tiên phong trong cuộc cách mạng này. Một mặt, Bộ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức sau khi hợp nhất yên tâm công tác, chấp hành và phát huy giá trị văn hóa cốt lõi của hai Bộ trước khi hợp nhất. Mặt khác, chủ động xây dựng dự thảo tiêu chí đánh giá, phân loại, sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, dễ làm trên cơ sở có thang điểm, đưa ra phương pháp, quy trình thực hiện một cách khách quan, công tâm, dân chủ, công khai và công bằng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy lần này là cuộc cách mạng chưa từng có, tác động rộng rãi đến nhiều người. Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của toàn quốc thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy. Quá trình sắp xếp được tỉnh thực hiện kỹ lưỡng, nhanh và hiệu quả.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí trong diện luân chuyển, hợp nhất, sáp nhập đều bày tỏ sự đồng thuận; có đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban đảng sẵn sàng xuống làm cấp phó, có đồng chí còn năm công tác sẵn sàng xin nghỉ, tất cả vì công việc chung của tỉnh.
Kết luận về tổng kết Nghị quyết số 18, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh, tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được sắp xếp đồng bộ, tinh gọn, giảm nhiều cơ quan, đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và đầu mối bên trong; giảm cấp trung gian; từng bước hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được rà soát, điều chỉnh, bổ sung rõ ràng hơn; quản lý chặt chẽ, giảm số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp phó, giảm biên chế; hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bước đầu được nâng lên.
Phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ, chiều 13/1/2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó, đối với các cơ quan của Đảng, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương; ở cấp tỉnh.
Đồng thời, thành lập 4 Đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới và đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Đối với các cơ quan của Quốc hội, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội. Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Đối với các cơ quan của Chính phủ, hợp nhất các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.
Cùng với đó, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay. Đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy
Ngày 23/1/2025, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, tiến hành chuyển giao các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên từ Ủy ban nhân dân cấp huyện về Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong ảnh: Công dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Ngày 14/1 vừa qua, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy với tên gọi mới Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/2/2025; kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Lê Hồng Phúc cho biết, thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy, Bắc Ninh kết thúc hoạt động của 6 đảng đoàn cấp tỉnh, 3 ban cán sự đảng cấp tỉnh và Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; hợp nhất, thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; hợp nhất một số hội đặc thù. Dự kiến sau khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 154 đầu mối, tương đương giảm 154 cấp trưởng của các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu thực tiễn; đồng thời, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trung ương cũng yêu cầu tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, xây dựng các cơ quan của Đảng ở Trung ương mạnh về tổ chức, cán bộ, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước… Tập trung các nguồn lực để tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Theo chỉ đạo của Trung ương, việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ tiếp tục được nghiên cứu thực hiện, giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của địa phương.
Chu Thanh Vân (TTXVN)