Tinh gọn bộ máy: Ổn định tổ chức, phục vụ nhân dân

Tinh gọn bộ máy: Ổn định tổ chức, phục vụ nhân dân
7 giờ trướcBài gốc
Điểm phục vụ hành chính công phường Kim Liên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Quốc Lũy/TTXVN
Theo Kết luận 179‑KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quá trình tổ chức triển khai chính quyền hai cấp từ ngày 18 - 24/7 được đánh giá là tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, yêu cầu. Giám sát thường xuyên và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ, khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc, bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, ổn định, gần dân và sát dân.
Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện bộ máy chính quyền địa phương hai cấp; tăng cường đồng hành cùng các địa phương, tạo đồng thuận xã hội; đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo, gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật sau sắp xếp bộ máy.
Đảng ủy Chính phủ được giao chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, phân định thẩm quyền cho địa phương; hoàn thiện pháp lý, thống nhất quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, giáo dục, y tế, dịch vụ công, chuyển đổi số. Văn phòng Chính phủ phải đảm bảo hạ tầng Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc biểu dương, Bộ Chính trị cũng đã phê bình các địa phương chậm kiện toàn nhân sự chủ chốt, nhất là chức danh bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã. Yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ cấp xã, tiếp tục bố trí đầy đủ số lượng biên chế cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cấp cơ sở, bám sát thực tiễn, tránh tình trạng cào bằng hoặc nơi thừa, nơi thiếu.
Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Tân Đông, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đã ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15. Kế hoạch nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện Luật được triển khai kịp thời, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Kế hoạch cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và khả thi để chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ tháo gỡ vướng mắc khi tổ chức chính quyền hai cấp. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các văn bản này bao gồm một loạt nghị định, thông tư quy định về phân loại đơn vị hành chính; khung số lượng và cơ cấu Ủy ban nhân dân; quy chế hoạt động của chính quyền địa phương, thôn, tổ dân phố; hướng dẫn lấy ý kiến cử tri khi điều chỉnh địa giới hành chính; trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn kết quả Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; trình tự, thủ tục điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân…
Bộ Nội vụ cũng sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Các văn bản này sẽ lần lượt được hoàn thành từ tháng 8 - 11/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời thăm hỏi người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Long Hữu. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc kiện toàn tổ chức đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh và xã mới đã cơ bản hoàn tất, đáp ứng yêu cầu hoạt động từ ngày 1/7. Trung tâm phục vụ hành chính công đã hoạt động hiệu quả, giải quyết thủ tục cho người dân ngay từ những ngày đầu. Các địa phương đều khởi động chính quyền hai cấp một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả từ ngày đầu tiên.
Mới đây, khi kiểm tra tình hình vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại xã Long Hữu, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập đơn vị hành chính. Đối với việc thiếu hụt cán bộ chuyên trách ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kế toán, môi trường, đất đai tại một số địa phương, ông Lữ Quang Ngời khẳng định, tỉnh sẵn sàng điều động lực lượng hiện có từ cấp tỉnh về hỗ trợ xã; đồng thời sẽ kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế bổ sung nhân sự phù hợp.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh lưu ý xã Long Hữu tăng cường hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính sau sáp nhập. Trường hợp chậm trễ, bất cập trong xử lý hồ sơ, cán bộ cần giải thích rõ ràng, cầu thị và thậm chí xin lỗi người dân nếu cần thiết, để giữ vững uy tín chính quyền mới.
Đáng chú ý, tại Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã quyết liệt chỉ đạo sở, ngành cần vào cuộc hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã, phường. Cụ thể, khi các đại biểu cho ý kiến về tình hình hoạt động của cấp xã, phường sau gần một tháng bước vào hoạt động mô hình mới chính quyền địa phương hai cấp, lãnh đạo các sở, ngành đánh giá còn nhiều hạn chế, cán bộ yếu về chuyên môn nên công việc còn trì trệ.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, khi mới vận hành mô hình chính quyền hai cấp, việc cấp xã, phường còn nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế là dễ hiểu. Tuy nhiên, các sở, ngành không thể ngồi im kêu khó khăn mà cần vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm để tháo gỡ những vướng mắc cho cấp xã, phường. Các xã, phường chưa biết gì, chưa rõ gì thì các sở, ngành phải hướng dẫn cụ thể cho xã, phường làm cho đúng và hiệu quả.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, trước ngày 10/8, các sở, ngành địa phương phải tập trung vừa tập huấn vừa trao đổi, xem cấp xã, phường vướng gì, cần gì để kịp thời tháo gỡ. Cấp tỉnh phải nắm được người dân cần biết gì để có thông tin tuyên truyền, đăng tải trên trang web, loa phát thanh và niêm yết tại trụ sở xã, phường. Các sở, ngành phải gấp rút in ấn bộ thủ tục hành chính thuộc đơn vị và có hướng dẫn cụ thể để cán bộ cấp xã, phường, người dân thực hiện theo.
Người dân đăng ký thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Xuyên (mới), tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Như vậy có thể thấy, tháng 7/2025 - tháng đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc chính là giai đoạn cao điểm và mang tính quyết định trong cuộc cải cách hành chính lớn nhất của nước ta trong nhiều thập kỷ qua, đã đem lại những tín hiệu tích cực. Các chủ trương đã được thể chế hóa bài bản, mạng lưới bộ máy mới đã triển khai đồng bộ và được kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định, gần dân, sát dân. Đặc biệt, ở cơ sở cũng kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, nhất là giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Và đây chính là những biểu hiện cụ thể của một bộ máy mới đang được bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định, hiệu lực, hiệu quả và gần dân, sát dân.
Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-on-dinh-to-chuc-phuc-vu-nhan-dan-20250727092915402.htm