Tinh gọn bộ máy: Phát huy 'thương hiệu mềm' từ tên gọi địa phương cấp xã

Tinh gọn bộ máy: Phát huy 'thương hiệu mềm' từ tên gọi địa phương cấp xã
10 giờ trướcBài gốc
Thành phố Vinh, Nghệ An đang được xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN
Tại Nghệ An, việc sáp nhập các xã, phường được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau. Các yếu tố như lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương cũng rất phong phú và đặc thù. Do vậy, tỉnh Nghệ An đã có sự linh hoạt trong cách đặt tên đảm bảo hài hòa lợi ích và bản sắc của từng vùng, cộng đồng, đặc biệt đặt người dân vào vị trí trung tâm.
Giữ gìn bản sắc văn hóa qua tên gọi
Căn cứ chủ trương của cấp trên và tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo, Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn đã họp thống nhất thay đổi tên gọi tại 4/5 xã mới để trình xin ý kiến cử tri toàn huyện, riêng đơn vị hành chính xã Kim Liên mới giữ nguyên tên. Theo đó, xã Nam Đàn I đổi thành xã Vạn An; xã Nam Đàn II thành xã Nam Đàn; Nam Đàn III thành xã Đại Huệ và xã Nam Đàn IV thành xã Thiên Nhẫn.
Các đơn vị hành chính mới hội tụ cơ bản đầy đủ yếu tố theo yêu cầu dễ nhớ, dễ nhận biết, gắn với địa danh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và được cử tri đồng thuận cao (99,72 %).
Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nam Đàn cho biết, quá trình thay đổi tên gọi đã được thống nhất từ Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo của huyện và có tham khảo ý kiến chuyên gia, vì vậy, khi đưa ra phương án tên gọi đã được cử tri đồng tình, ủng hộ cao.
Riêng xã Kim Liên là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi đến nay còn lưu giữ được không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người và thân nhân, là Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Tên gọi này không đơn thuần là địa danh hành chính mà còn là biểu tượng thiêng liêng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nước và quốc tế. Việc giữ nguyên tên Kim Liên chính là giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Tương tự, tại thành phố Vinh, theo phương án, 33 phường, xã hiện nay của thành phố sẽ được sắp xếp thành thành 6 đơn vị, giảm 27 đơn vị (tỷ lệ giảm 84,38%). Trong đó, tên của 5 phường mới được đề xuất đặt là Trường Vinh, Thành Vinh, Vinh Hưng, Vinh Phú, Vinh Lộc. Riêng địa bàn 7 phường thuộc thị xã Cửa Lò (cũ) gồm: Nghi Hòa, Nghi Hải, Nghi Hương, Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Thủy, Nghi Tân được thống nhất phương án đặt tên phường Cửa Lò.
Theo lãnh đạo thành phố Vinh, Cửa Lò không chỉ là tên gọi của một đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sáp nhập về thành phố Vinh từ 1/12/2024 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn là thương hiệu du lịch nổi bật của Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, được định vị trong lòng du khách thập phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, việc đặt lại tên Cửa Lò đảm bảo tính ổn định về hình ảnh, thương hiệu và tâm lý xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, du lịch.
Việc giữ nguyên các tên gọi như Kim Liên, Cửa Lò trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An được đánh giá là cách tiếp cận hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Đây không chỉ là những địa danh quen thuộc, gắn bó với đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa của người dân mà còn mang giá trị biểu tượng sâu sắc.
Thực hiện Kết luận ngày 29/4/2025 của Ban Chỉ đạo về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, 14/20 huyện, thành phố, thị xã đã đổi tên mới theo hướng không sử dụng tên cấp huyện gắn số thứ tự mà sử dụng tên gọi địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử.
Người dân đồng thuận
Tại Kỳ họp thứ 29 khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 8/5/2025, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua sửa đổi tên 82 xã, phường theo địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử. Với sự điều chỉnh này, tất cả 130 xã, phường mới ở Nghệ An sau sắp xếp đơn vị hành chính có tên gọi theo địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử.
Trước đó, qua nắm bắt tình hình chung, thể theo nguyện vọng của cử tri và nhân dân, thực hiện các Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chính quyền địa phương 2 cấp, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan đã thực hiện trình tự, thủ tục, lấy ý kiến người dân, cử tri, trình HĐND cùng cấp thông qua theo quy định về sửa đổi tên đơn vị hành chính cấp xã đạt sự thống nhất, đồng thuận cao trong cử tri, nhân dân.
Theo số liệu Sở Nội vụ, 96,92% ý kiến cử tri ở Nghệ An nhất trí việc đổi tên mới theo hướng không sử dụng tên cấp huyện gắn số thứ tự mà sử dụng tên gọi địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử.
Tại kỳ họp HĐND vừa qua, với sự thống nhất cao, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết, theo đó, quyết nghị phương án đặt tên mới của 82 đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh tại 11 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành; 2 thị xã: Hoàng Mai, Thái Hòa và thành phố Vinh từ sử dụng tên cấp huyện gắn số thứ tự thành tên gọi theo hướng dễ đọc, dễ nhớ, sử dụng tên các địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử.
Như vậy, với sự điều chỉnh này, 130 xã, phường mới ở Nghệ An sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ có tên gọi theo hướng dễ đọc, dễ nhớ, sử dụng tên các địa danh có yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử.
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An năm 2025 để trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị đảm bảo tiến độ gấp rút mà Trung ương đã đề ra; đồng thời, sẵn sàng, chủ động chuẩn bị các điều kiện cho việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
"Từ tên đất, tên làng, nhân vật lịch sử..., việc khai thác các giá trị để đặt tên không chỉ là giữ gìn ký ức mà còn là hành trang để tiến về phía trước trong kỷ nguyên mới. Cái tên mới phải được người dân đồng thuận, phải là thương hiệu và từ đó tạo nên sự đoàn kết cộng đồng. Khi đó, tên gọi không chỉ là một con chữ hành chính mà là biểu tượng của sự đồng thuận, đoàn kết và khởi đầu cho một hành trình phát triển mới của địa phương", ông Nguyễn Hồ Cảnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An bày tỏ quan điểm.
Thực tế, một tên gọi không chỉ phục vụ công tác quản lý hành chính mà còn là "thương hiệu mềm" cho địa phương. Đặt tên mới là cơ hội để khơi dậy niềm tự hào, sức mạnh văn hóa và giá trị lịch sử. Tên mới sẽ đi cùng các sản phẩm OCOP, nông sản, du lịch… và là yếu tố định vị trong chỉ dẫn địa lý của mỗi địa phương.
Bích Huệ (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-phat-huy-thuong-hieu-mem-tu-ten-goi-dia-phuong-cap-xa-20250509180609222.htm