Tinh gọn bộ máy: Tạo động năng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Tinh gọn bộ máy: Tạo động năng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
7 giờ trướcBài gốc
Quảng Nam: Tán thành chủ trương với mức đồng thuận cao
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng cho biết, chủ trương sắp xếp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam không chỉ thay đổi đơn thuần về cấp hành chính, đơn vị hành chính mà là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo động năng, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
UBND tỉnh Quảng Nam trình bày tờ trình về việc thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Thành phố Đà Nẵng (mới) có diện tích tự nhiên là 11.867,18 km2 (đạt 791,15% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 3.065.628 người (đạt 306,56% so với tiêu chuẩn), có 94 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).
Tỉnh Quảng Nam tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 19/4 với tỷ lệ tán thành đạt 98,52%. Một số cử tri kiến nghị đặt Trung tâm hành chính - chính trị tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hiện nay. Một số cử tri kiến nghị đặt tên gọi của đơn vị hành chính mới là Quảng Đà hoặc Quảng Nam.
HĐND tỉnh Quảng Nam đã xem xét thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đề án, Quảng Nam sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã thành 78 đơn vị (11 phường, 67 xã); giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Tỉnh Quảng Nam tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tán thành là 96%.
Ông Lê Văn Dũng cho biết, Quảng Nam đang làm đúng chủ trương của Trung ương, việc sáp nhập nhằm để gần dân hơn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn và nhân dân đặt ra. Về cơ bản, tỷ lệ người dân đồng thuận rất cao, thấp nhất là 93%. Ngoài ra, địa phương cần quan tâm đến việc giải quyết chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ từ Quảng Nam ra Đà Nẵng để làm việc trong thời gian đầu...
HĐND tỉnh cũng xem xét thông qua nhiều nghị quyết trên lĩnh vực tài chính - ngân sách; đầu tư công; quy hoạch - đất đai và nhiều lĩnh vực khác, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai.
Thái Bình thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
Cùng ngày, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh mới là tỉnh Hưng Yên. Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Hưng Yên (mới) tại thành phố Hưng Yên hiện nay. Tỉnh Hưng Yên (mới) có diện tích tự nhiên là 2.514,81 km2, quy mô dân số là 3.567.943 người, dự kiến có 104 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 11 phường và 93 xã).
Đoàn chủ tọa điều hành Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất để thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình năm 2025. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
HĐND tỉnh Thái Bình giao UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết và quy định của pháp luật hiện hành, hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025. Theo đó, sau sắp xếp, tỉnh Thái Bình còn 65 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 73%.
Các đại biểu đã tập trung xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua: Nghị quyết Phê duyệt danh mục bổ sung công trình, dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2025; Nghị quyết về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025 tỉnh Thái Bình…
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành khẳng định, các đại biểu đã dân chủ thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện và biểu quyết thông qua 14 nghị quyết, với sự đồng thuận, thống nhất cao, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chủ động, kịp thời của HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đặc biệt, HĐND tỉnh đã tán thành chủ trương và thông qua 2 nghị quyết về hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn tạo không gian phát triển mới; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nhất là đối với cấp xã.
Địa danh “Phú Yên” được đặt cho đơn vị hành chính mới và quảng trường lớn nhất
Ngày 26/4, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII tổ chức kỳ họp lần thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) thảo luận và thông quan nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến hợp nhất và sắp xếp đơn vị hành chính; phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Phú Yên thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 106 xã, phường còn lại 34 xã, phường; giảm khoảng 67,92%. Tỷ lệ cử tri đồng ý với chủ trương này đạt 98,04%.
Địa danh “Phú Yên” được đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã mới là “Phường Phú Yên” trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của các địa phương thuộc thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Tây Hòa hiện nay. Phường mới có sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, nhà ga hành khách đường sắt cao tốc. Khu vực này được định hướng hình thành khu công nghiệp VSIP, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
HĐND tỉnh Phú Yên thông qua Nghị quyết đổi tên Quảng trường 1 tháng 4 (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) thành Quảng trường Phú Yên (sẽ thuộc phường Tuy Hòa, tỉnh Đắk Lắk sau hợp nhất). Quảng trường 1/4 có quy mô 49.224m2 và được xem là biểu tượng lịch sử, “trái tim” của thành phố Tuy Hòa, nơi gắn kết cộng đồng và phát triển du lịch địa phương.
Quảng trường được đặt tên để kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975). Đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh.
HĐND tỉnh Phú Yên quyết định đặt tên đường 1 tháng 4 cho tuyến đường số 14 với điểm đầu tại nút giao với đường Độc Lập, điểm cuối tại nút giao với Đại lộ Nguyễn Tất Thành. Tuyến đường rộng 40m; dài hơn 2km kết nối theo trục dọc Đông - Tây. Hai bên tuyến đường được quy hoạch phát triển các khu đô thị và dịch vụ thương mại…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho biết, việc đặt tên "Phú Yên" cho đơn vị hành chính mới và quảng trường là cần thiết, phù hợp với sự phát triển của đô thị, đáp ứng mong muốn của chính quyền các cấp và nguyện vọng của nhân dân; đặc biệt là giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về vùng đất Phú Yên với về dày lịch sử hơn 400 năm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An yêu cầu, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương để hoàn thiện; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, để nhân dân và cử tri thấy được lợi ích thiết thực của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Đoàn Hữu Trung - Vũ Quang - Xuân Triệu (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-tao-dong-nang-dap-ung-yeu-cau-trong-giai-doan-moi-20250426171001938.htm