Tinh gọn bộ máy: Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân

Tinh gọn bộ máy: Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
97% cử tri thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk
Ngày 25/4, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị lần thứ 19 cho ý kiến vào Đề án hợp nhất tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đề án hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk (mới), có diện tích tự nhiên 18.096,4 km (đạt 226,2% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 3,3 triệu người, 102 đơn vị hành chính trực thuộc. Trung tâm hành chính - chính trị tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Sau khi hợp nhất, tỉnh Đắk Lắk dự kiến sử dụng toàn bộ trụ sở, tài sản công nguyên trạng của các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện có để bố trí phục vụ thực hiện nhiệm vụ, công tác; nghiên cứu bố trí một bộ phận làm việc ở cơ sở 2 tại tỉnh Phú Yên (cũ).
Tỉnh Phú Yên sẽ tạo điều kiện, bố trí, hỗ trợ nhà ở công vụ, chi phí đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại tỉnh Đắk Lắk. Sau khi ổn định tổ chức bộ máy, tỉnh sẽ rà soát, sắp xếp, bố trí trụ sở và tài sản công đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với việc lấy ý kiến nhân dân về chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho biết, các địa phương thực hiện rất nghiêm túc, đúng tiến độ. Số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến đạt 99,39%; tỷ lệ cử tri đồng ý với chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên đạt 97,69% (cao nhất là phường 4 đạt 100%; thấp nhất là xã Xuân Thịnh đạt 82,98%).
Tỉnh Phú Yên thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 106 xã, phường còn 34 xã, phường; giảm khoảng 67,92%, phù hợp với chỉ đạo Trung ương là từ 60% đến 70%. 34 xã, phường mới thành lập đều đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định, việc hợp nhất Phú Yên - Đắk Lắk và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng nhằm đảm bảo theo mục tiêu chung là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (Phú Yên - Đắk Lắk) được triển khai hết sức khẩn trương. Đây là một trong những nội dung mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và lâu dài trong định hướng phát triển không gian hành chính quốc gia.
Cũng tại hội nghị này, Tỉnh ủy Phú Yên đã công bố Quyết định của Ban Bí thư chuẩn y Đại tá Cao Văn Mười, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025.
Gia Lai thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Ngày 25/4, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức Kỳ họp thứ 17 (chuyên đề) để xem xét, quyết nghị các nội dung quan trọng liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 490 và 491/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Đối với cấp xã, tỉnh Gia Lai hiện có 210 đơn vị hành chính cấp xã. Qua rà soát, có 133 đơn vị chưa đạt một trong hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. HĐND tỉnh thống nhất chủ trương sắp xếp, giữ nguyên hiện trạng 8 đơn vị hành chính, còn lại sẽ tiến hành nhập để hình thành 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 69 xã và 8 phường.
Đối với cấp tỉnh, HĐND tỉnh thống nhất chủ trương sáp nhập tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại tỉnh Bình Định.
HĐND giao UBND tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Bộ Nội vụ, các cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với tỉnh Bình Định triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Hà Nội: Hiệu ứng tích cực sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy
Cán bộ Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Chiều 25/4, thông tin về tình hình, tiến độ triển khai việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau sắp xếp, thành phố có 15 sở, 1 cơ quan tương đương sở; 9 chi cục.
Riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương. Có 21 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố: 150 phòng thuộc sở; 300 phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã là 2.581 đơn vị sự nghiệp, trong đó không bao gồm các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thành phố đã sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, rà soát chức năng nhiệm vụ được triển khai đáp ứng ngay yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện còn chưa đồng bộ; phương án rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương có sự điều chỉnh, thay đổi, do vậy địa phương và các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 190/2025-QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đồng thời thống nhất về nhận thức và hành động với quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết được thành phố chủ động triển khai, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt.
Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản, đồng bộ, đảm bảo đúng quy định; ban hành hệ thống các văn bản quản lý, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Quá trình tổ chức thực hiện đã phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 190/2025-QH15 đã tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và thành phố.
Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất; vừa phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương; khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại: một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sát với công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế; còn thiếu quyết liệt trong quán triệt, triển khai thực hiện nên hiệu quả trên một số mặt chưa cao.
Chức năng, nhiệm vụ của các sở và cơ quan tương đương sở được thực hiện theo quy định tại các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các bộ chuyên ngành, được áp dụng chung cho cả nước mà chưa tính đến đặc thù của địa phương nên nhiều việc còn giao thoa, trùng chéo giữa các cơ quan, đơn vị, dẫn tới tình trạng chậm trễ do một việc liên quan đến nhiều sở giải quyết; trong quá trình triển khai một số phương án sắp xếp phải chờ Trung ương hướng dẫn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và công tác cán bộ là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cá nhân nên cần thời gian, lộ trình phù hợp để tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các tập thể, cá nhân.
Một số văn bản có liên quan hiện chưa đồng bộ (giữa quy định, hướng dẫn của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước); các văn bản của các bộ, ngành còn chồng chéo, bất cập, chưa sát thực tiễn, chậm được sửa đổi, thiếu văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể. Vẫn còn cấp ủy, lãnh đạo một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch... của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với nội dung đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Xuân Triệu - Hồng Điệp - Tuyết Mai (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-tao-su-dong-thuan-thong-nhat-trong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-va-nhan-dan-20250425205820971.htm