Không chỉ riêng tôi mà nhiều bà con nhân dân trong khu phố đều rất đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải quyết liệt tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là vấn đề cấp thiết, là mong mỏi của tất cả mọi người, đồng thời cũng là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, vì đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”.
Tuy nhiên, nhìn lại việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thời gian qua, có một vấn đề đáng nói là việc này mới chủ yếu làm ở địa phương, cơ sở, ít “động chạm” đến cấp Trung ương nên chưa mang lại hiệu quả. Điều này còn dẫn tới tình trạng nhiều địa phương lúng túng, “nhập vào rồi lại tách ra”.
Còn nhớ tháng 7-2018, tỉnh Lào Cai sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải-Xây dựng. Việc sáp nhập này giúp tỉnh giảm được 4 lãnh đạo cấp sở, 9 lãnh đạo cấp phòng và nhiều viên chức, nhân viên.
Lào Cai là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc sáp nhập hai sở nhằm từng bước tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên môn, mang lại hiệu ứng rất tích cực trong dư luận với nhiều kỳ vọng mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh luôn tận tình phục vụ người dân. Ảnh minh họa: baoquangninh.vn
Thế nhưng, sau gần 6 năm hoạt động, tháng 12-2023, việc sắp xếp lại 2 đơn vị này đã không thành công, phải quay trở về “vạch xuất phát” khi Sở Giao thông vận tải-Xây dựng tỉnh Lào Cai chia tách thành Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.
Không chỉ riêng Lào Cai, ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Như tại Hà Giang, tháng 9-2018, tỉnh thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức-Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh và cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra. Tuy nhiên, cuối năm 2020, Hà Giang lại quyết định tái lập Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh.
Tương tự, tháng 11-2018, tỉnh Bạc Liêu cũng quyết định sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, thành Sở Giáo dục-Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch… nhưng cuối năm 2022, các sở này lại chia tách để trở về 4 sở cũ…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng là do cấp Trung ương chưa sắp xếp, tinh gọn để làm gương, làm mẫu, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, đồng thời tạo cơ chế, hành lang pháp lý hoạt động nên các địa phương rất khó để duy trì các mô hình chưa có tiền lệ này.
Mặt khác, khi trên chưa làm trước thì có thể xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, như: “Trung ương chưa sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì địa phương dại gì mà làm trước để vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của anh em” (!?), từ đó làm giảm nhiệt huyết, quyết tâm trong thực hiện.
Bởi vậy, tôi cho rằng, việc tinh gọn bộ máy trước hết phải làm từ các cơ quan Trung ương. Trung ương phải làm trước để làm gương cho địa phương, cơ sở.
Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo của Quốc hội, Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã được thành lập. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất phương án phù hợp để sắp xếp, tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn từ trên, theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu”.
Người dân cả nước rất mong chờ Trung ương gương mẫu làm trước để bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương!
NGUYỄN DANH THÁI, phố Thành Công, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ