Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: BNEWS phát
Việc tổ chức lại hệ thống chi nhánh này được thực hiện đồng bộ với mô hình quản lý hành chính mới của 34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương và Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc tinh gọn 63 chi nhánh thành 15 Ngân hàng Nhà nước khu vực không làm phát sinh tổ chức mới, giữ nguyên số lượng đầu mối, đồng thời giảm chồng chéo, tiết kiệm chi phí vận hành và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành. Mỗi Ngân hàng Nhà nước khu vực sẽ đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối tại địa bàn các tỉnh và thành phố.
Trong quá trình tổ chức lại, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi, ổn định vị trí công tác của cán bộ, nhân viên. Việc tinh gọn bộ máy được thực hiện theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động đến nhân sự, không làm gia tăng số lượng phòng ban thuộc các Ngân hàng Nhà nước khu vực hiện tại so với mô hình cũ.
Đồng thời, các Ngân hàng Nhà nước khu vực cũng sẽ phối hợp với địa phương để thành lập tổ chức Đảng theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 151-KL/TW ngày 25/4/2025, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các tổ chức quản lý theo ngành dọc.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 14 Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 14 Ngân hàng Nhà nước Khu vực (trừ Ngân hàng Nhà nước Khu vực 1 - Hà Nội), đảm bảo hệ thống vận hành đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với mô hình quản lý hành chính của 34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất. Đây là bước đi then chốt, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối tại địa phương.
15 Ngân hàng Nhà nước khu vực được bố trí trụ sở tại các trung tâm kinh tế – hành chính trọng điểm trong từng vùng. Cách sắp xếp này vừa đảm bảo tính kế thừa mô hình cũ, vừa giúp nâng cao khả năng phối hợp giữa ngành ngân hàng với chính quyền địa phương trong điều hành kinh tế – tài chính.
Cơ cấu chi tiết 15 Ngân hàng Nhà nước khu vực như sau:
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 1: địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2: gồm 2 tỉnh, thành phố là TP. Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh+Bà Rịa–Vũng Tàu+ Bình Dương), Đồng Nai (Đồng Nai+Bình Phước). Trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 3: gồm 3 tỉnh là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Trụ sở tại tỉnh Sơn La.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 4: gồm 3 tỉnh là Phú Thọ (Phú Thọ+Hòa Bình+Vĩnh Phúc), Tuyên Quang (Tuyên Quang+Hà Giang), Lào Cai (Lào Cai+Yên Bái). Trụ sở tại tỉnh Phú Thọ.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5: gồm 3 tỉnh là Thái Nguyên (Thái Nguyên+Bắc Kạn), Cao Bằng, Lạng Sơn. Trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6: gồm 2 tỉnh, thành phố là thành phố Hải Phòng (Hải Phòng+Hải Dương), Quảng Ninh. Trụ sở tại thành phố Hải Phòng.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7: gồm 2 tỉnh Ninh Bình (Ninh Bình+Nam Định+Hà Nam), Thanh Hóa. Trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8: gồm 3 tỉnh là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị (Quảng Trị+Quảng Bình). Trụ sở tại tỉnh Hà Tĩnh.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 9: gồm 3 tỉnh, thành phố là thành phố Đà Nẵng (Đà Nẵng+Quảng Nam), Quảng Ngãi (Quảng Ngãi+Kon Tum), thành phố Huế. Trụ sở tại thành phố Đà Nẵng.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 10: gồm 2 tỉnh là Khánh Hòa (Khánh Hòa+Ninh Thuận), Lâm Đồng (Lâm Đồng+Bình Thuận+Đắk Nông). Trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 11: gồm 2 tỉnh là Đắk Lắk (Đắk Lắk+Phú Yên), Gia Lai (Gia Lai+Bình Định). Trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12: gồm 2 tỉnh là Hưng Yên (Hưng Yên+Thái Bình), Bắc Ninh (Bắc Ninh+Bắc Giang). Trụ sở tại tỉnh Hưng Yên.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13: gồm 2 tỉnh là Đồng Tháp (Đồng Tháp,+Tiền Giang), Tây Ninh (Tây Ninh, Long An). Trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14: gồm 2 tỉnh, thành phố là thành phố Cần Thơ (Cần Thơ+Hậu Giang+ Sóc Trăng), Vĩnh Long (Vĩnh Long+Bến Tre+Trà Vinh). Trụ sở tại thành phố Cần Thơ.
- Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15: gồm 2 tỉnh là An Giang (An Giang+Kiên Giang), Cà Mau (Cà Mau+Bạc Liêu). Trụ sở tại tỉnh An Giang.
Lê Phương/Bnews/vnanet.vn