Tinh gọn mạng lưới trường, lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại Cao Bằng

Tinh gọn mạng lưới trường, lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại Cao Bằng
4 giờ trướcBài gốc
Cô và trò trường PTDT bán trú Tiểu học Phan Thanh
Giảm lượng, tăng chất
Năm học 2024-2025, trường PTDT bán trú Tiểu học Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng có 281 học sinh với 14 lớp học. Đáng nói, nhà trường chỉ còn 6 điểm trường, giảm 1 điểm so với năm học trước. Sau khi về các điểm trường mới, việc học tập của các em được thuận lợi hơn rất nhiều. Các em được sinh hoạt, học tập trong môi trường với cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị dạy học đầy đủ.
Cô giáo Đàm Thị Hương, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Phan Thanh cho biết: “Học sinh ở các điểm trường lẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Để phụ huynh đồng thuận với chủ trương dồn ghép điểm trường, thầy cô giáo trong trường phải tích cực vận động tới từng nhà các em. Bởi khi di chuyển về các điểm trường xa hơn thì phụ huynh phải cùng đồng hành, vất vả hơn trong việc đưa đón con.
Điểm trường Bản Chiêu, trường PTDT bán trú Tiểu học Phan Thanh chỉ còn lớp 1 và 2, các em học sinh lớp 3 được di chuyển về trường chính để học, đáp ứng chương trình GDPT mới
Vì thế, có những gia đình, chúng tôi phải đi lại vận động nhiều lần, cha mẹ học sinh mới đồng ý. Tuy nhiên, giờ đây, khi thấy các con được học tập trong môi trường mới khang trang, đủ đầy, hầu hết phụ huynh đều yên tâm, hài lòng”.
Còn tại huyện Thạch An, việc bố trí, sắp xếp các điểm trường lẻ, dồn ghép các trường học, cấp học được quan tâm thực hiện. Ở nhiều xã, số điểm trường lẻ được sắp xếp về trường chính và trường trung tâm phù hợp; các cấp học được sáp nhập với nhau tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Anh Lương Văn Hà, thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An chia sẻ: “Trước đây ở thôn có điểm trường mầm non, tạo điều kiện cho con em đến trường đầy đủ, các phụ huynh không phải đưa con đi học xa. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập thiếu nên các con thiệt thòi hơn các bạn ở trường chính.
Mấy năm gần đây, trường dồn lớp mầm non ở thôn về trường chính. Tại điểm trường chính, các con được học tập trong điều kiện tốt hơn, có đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi”.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, huyện Thạch An đã giảm được 7 trường.
Việc sắp xếp, dồn ghép các trường, điểm trường, lớp tinh gọn đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Bộ máy của các cơ sở giáo dục được tinh giản, nhất là đối với cán bộ quản lý, nhân viên; nhiều trường tiểu học và THCS sáp nhập gần nhau có cùng khuôn viên tạo điều kiện cho công tác quản lý, tổ chức các hoạt động.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, sáp nhập các cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong bố trí công tác chuyên môn, tăng cường các hoạt động trao đổi, dự giờ, thăm lớp...; học sinh và giáo viên có môi trường thuận lợi hơn để giảng dạy, học tập.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình bà Vi Thị Hương khẳng định: “Giai đoạn 2015 - 2020, công tác giáo dục của huyện có nhiều đột phá trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp tiểu học; toàn huyện giảm sắp xếp và giải thể giảm 09 trường học, giảm 65 điểm trường lẻ. Trong đó, khối tiểu học giảm 40 điểm trường, khối mầm non giảm 25 điểm trường.
Việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường, lớp giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn
Việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp tạo môi trường sư phạm "trường ra trường, lớp ra lớp", thuận lợi trong tổ chức các hoạt động giáo dục, từ đó thu hút học sinh đi học, tăng tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo giáo dục của huyện thay đổi rõ rệt”.
Bà Nguyễn Ngọc Thư, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trong 05 năm 2018- 2023, mặc dù số học sinh ở hầu hết các cấp học đều tăng (tăng tổng số 10.625 học sinh), nhưng số trường, điểm trường lại giảm (giảm 151 trường, 178 điểm trường) và tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học giảm (giảm 735 người).
Việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường, lớp, đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về học tập tại các trường chính giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng cơ hội của học sinh trong tiếp cận trang thiết bị giáo dục và được học/thực hành một số môn học ít có điều kiện để tổ chức dạy học tại các điểm trường (tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc)
Đồng thời việc dồn ghép các điểm trường tạo điều kiện tập trung các nguồn lực cho công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; hướng đến mục tiêu thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT".
Năm học 2023- 2024, toàn tỉnh Cao Bằng có 508 trường học, giảm 151 trường so với năm học 2018- 2019, tương ứng với 22,91%, vượt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, vượt mục tiêu của tỉnh tại Đề án số 12-ĐA/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng. Trong đó, giảm nhiều nhất là ở cấp tiểu học (giảm 119 trường).
Mặc dù trong giai đoạn 2018- 2023, toàn tỉnh đã giảm được 151 trường, 178 điểm trường nhưng số lượng điểm trường trong toàn tỉnh hiện còn khá lớn (829 điểm trường); nhiều điểm trường chưa thể thực hiện dồn, ghép do địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh, khoảng cách từ nhà đến trường xa, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, chủ yếu là đường đi bộ và mật độ phân bố dân cư thấp.
Bà Nguyễn Ngọc Thư, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng thông tin thêm.
Xuân Thắng
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tinh-gon-mang-luoi-truong-lop-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-tai-cao-bang-post704887.html