Tinh gọn và gỡ điểm nghẽn

Tinh gọn và gỡ điểm nghẽn
8 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn và một cửa
Nếu bạn đã từng thử tự “lăn lộn” với các thủ tục hành chính, thì có một hoạt động cho thấy sự khác biệt về mặt hiệu quả nhất giữa hoạt động của một doanh nghiệp và hoạt động của hệ thống công quyền là đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Nếu tự làm, đầu tiên, bạn sẽ phải soạn thảo hồ sơ và tiến hành nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Quá trình duyệt thông thường mất khoảng 3 ngày, sau đó nếu hồ sơ không có vấn đề gì, Sở sẽ cấp cho bạn Giấy phép đăng ký kinh doanh. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Sở ra thông báo hướng dẫn và bạn sửa đổi, làm lại quy trình này.
Sau khi có Giấy phép đăng ký kinh doanh, bạn rời Sở Kế hoạch và Đầu tư để đến với cơ quan thuế, nộp tờ khai thuế môn bài, cũng như thông báo về việc mua và phát hành hóa đơn điện tử.
Sau khi nghĩa vụ với bên thuế xong xuôi, bạn phải đăng ký xin mã bảo hiểm xã hội (BHXH) với cơ quan BHXH để thực thi nghĩa vụ với người lao động trong doanh nghiệp. Theo quy định thì quy trình này có thể kéo dài đến 7 ngày.
Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bạn phải chuẩn bị tiếp một bộ hồ sơ để gửi sang các cơ quan ban ngành có thẩm quyền cấp phép. Ví dụ bạn sẽ phải nộp hồ sơ xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược ở Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Đấy là phương án một, nếu bạn có thừa thời gian để đi lại làm thủ tục, công chứng, sửa lỗi giấy tờ. Phương án 2 là thuê một công ty luật, với mức phí dao động trên dưới 2 triệu đồng, để họ lo hết các vấn đề kể trên, trong… 3 ngày, với chỉ một nhân viên thực hiện mọi thủ tục. Đấy có lẽ là ấn tượng đầu tiên gợi lên trong tâm trí tôi, khi nghĩ về 2 từ TINH GỌN: mọi thứ diễn ra nhanh hơn, với ít nhân lực hơn, và tiện lợi hơn (chỉ phải đưa hồ sơ giấy tờ qua một cửa). Thay vì phiêu lưu qua nhiều quy trình ở các cơ quan hành chính khác nhau, bạn chỉ cần nộp tiền và ngồi chờ mọi thứ đến tay trong vài ngày.
Trong thông điệp quyết liệt về tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm có chỉ ra một tình trạng phổ biến trong hệ thống công quyền hiện tại: một việc có quá nhiều người làm, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính.
Hãy liên tưởng ngược lại với ví dụ về xin đăng ký thành lập doanh nghiệp kể trên: bạn cần thành lập một doanh nghiệp, đi qua 3-4 cơ quan hành chính khác nhau, nhưng nếu bạn thành lập công ty chậm, hoặc không thành lập được đúng như nguyện vọng, bạn không thể chỉ mặt đặt tên xem ai phải chịu trách nhiệm.
Khi chọn một công ty luật đứng ra lo thủ tục, tôi có thể đòi hỏi họ phải có trách nhiệm giúp tôi có giấy phép đăng ký kinh doanh trong thời gian cam kết. Tôi chỉ phải làm việc với một nhân viên duy nhất, và người này sẽ ráp nối các quy trình, thủ tục lại để làm xong một việc: đăng ký thành lập mới doanh nghiệp cho tôi, trọn gói.
Hãy tưởng tượng hệ thống công quyền cũng làm việc như thế: khi thành lập doanh nghiệp, tôi chỉ phải nộp mọi hồ sơ qua một cửa, rồi chờ kết quả. Từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế cho đến cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiết kiệm được kha khá nhân lực lẫn chi phí cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ (chỉ cần 1 thay vì 3-4), và những người làm việc thật sự trong cơ quan nhà nước sẽ trở nên nổi bật: họ phải phối hợp được với nhau để hoàn thành xong một việc cụ thể, trọn gói cho người dân, chứ không phải máy móc làm việc với giới hạn rất nhỏ của mình trong quy trình tổng thể.
Bộ phận một cửa, cải tiến mạnh mẽ về quy trình và thủ tục ở các cơ quan hành chính địa phương trong hơn một thập niên qua, là ví dụ điển hình về sự tinh gọn. Chúng ta cần một cơ quan hoàn thành xong một việc cụ thể, chứ không phải chỉ là khớp nối của các quy trình trùng lặp và quan liêu.
Trước khi có bộ phận một cửa, để làm nhanh các quy trình về giấy tờ, bạn chắc hẳn đã từng phải đưa tiền cho “cò” giấy tờ, và chấp nhận lỗ kép khi đi làm thủ tục hành chính.
Tương tự, sự rườm rà của hệ thống công quyền hiện tại cũng làm “phát sinh” thêm việc làm cho các công ty luật, và chi phí cho những người muốn thực hiện phương án tinh gọn. Trong khi nhà nước có thể làm rất tốt điều này, với tinh thần rất đơn giản: làm một việc từ đầu đến cuối, và chịu trách nhiệm với đầu việc đó.
Phạm An
Bữa cơm trăm người nấu
Có những hoạt động quản lý xã hội, rõ ràng là một hoạt động nhưng lại “bị” quản lý bởi hơn một cơ quan.
Cục Thông tin cơ sở thì thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục Văn hóa cơ sở thì thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng xuống đến địa phương, thì hoạt động này lại được phụ trách bởi “Ban Văn hóa - Thông tin cơ sở” hoặc “Trung tâm Truyền thông-Văn hóa”.
Thực chất văn hóa cơ sở và thông tin cơ sở xuống đến cấp huyện, cấp xã đã nhập vào làm một. Thông tin là công cụ thiết yếu của văn hóa, cũng như văn hóa là cấu phần quan trọng trong công tác thông tin. Việc triển khai hai công tác này về bản chất không thể tách rời, thậm chí về mặt lý luận, luôn được xem xét là một-hoạt-động-duy-nhất. Nhưng nó lại do hai bộ quản lý.
Tình trạng này đã tồn tại như một điều hiển nhiên trong hơn một thập kỷ. Ngày trước, khi Văn hóa và Thông tin còn nằm trong một bộ, có một cục duy nhất quản lý vấn đề này, tên là Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở. Năm 2007, tách ra thành Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông nên đến năm 2008, cục này đổi tên thành Cục Văn hóa cơ sở để bên Bộ Thông tin và Truyền thông có Cục Thông tin cơ sở.
Để phân tích sự khác nhau về chức năng nhiệm vụ giữa hai cục này, đòi hỏi một nỗ lực khá phức tạp, và thật ra thừa thãi – bởi nó vẫn được tiến hành như một hoạt động ở địa phương. Nhu cầu văn hóa thông tin cơ sở vẫn rất mạnh mẽ: chính quyền nhiều địa phương vẫn đang vật lộn với các vấn đề văn hóa và tuyên truyền từng ngày.
Hãy xem một ví dụ: Ủy ban Dân tộc có Đề án chống tảo hôn – một vấn đề vẫn đang nhức nhối tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn nội hàm của đề án chính là công tác tuyên truyền ở cơ sở. Trong một kịch bản lý tưởng, nếu chỉ có một đơn vị tại Trung ương quản lý tất cả vấn đề văn hóa và thông tin cơ sở, Ủy ban Dân tộc chỉ cần đưa đề án đó sang, và mọi thứ sẽ được triển khai theo ngành dọc, tổng hợp nguồn lực và đo đếm được kết quả đầu ra.
Nhưng trong một kịch bản “năm cha ba mẹ”, việc thực thi đề án này sẽ là một cuộc phối hợp khổng lồ. “Nếu có đề án chống tảo hôn, Cục Thông tin cơ sở sẽ có kế hoạch tuyên truyền thông qua triển lãm, hệ thống đài địa phương. Cục Văn hóa cơ sở sẽ có kế hoạch sử dụng các loại hình văn hóa khác như chèo tuồng. Thậm chí cục Xuất bản có kế hoạch về xuất bản sách. Tất cả đều dành cho địa phương”, một cán bộ quản lý ngành thông tin chia sẻ với chúng tôi rằng: “Trong khi đó có thể kết hợp vừa triển lãm vừa xem chèo”.
Nhìn vào ví dụ đó, nhận ra rằng sự nhất quán trong quản lý không chỉ tiết kiệm một khối lượng tờ giấy A4 in văn bản qua lại. Việc tập trung nguồn lực tạo ra sự tối ưu trong chi phí: biểu diễn văn nghệ và triển lãm, tập huấn, có thể cùng diễn ra một thời điểm và dùng cùng một ngân sách; toàn bộ nội dung này có thể được truyền thông trên hệ thống loa phát thanh địa phương hoặc livestream cho bà con.
Khi bạn đến những vùng đất đang đối mặt với nhiều vấn đề xã hội liên quan đến nhận thức, như tảo hôn hay ma túy, bạn sẽ nhận ra rằng nguồn lực cần thiết để thay đổi là khổng lồ. Tại một số nơi ở vùng cao, khi các bạn nhỏ dễ dàng gặp nhau qua mạng xã hội và đi đến quyết định “làm con ma nhà người” một cách nhanh chóng. Chúng ta cần thêm nguồn lực ngược lại, từ công tác thông tin văn hóa cơ sở để chống lại điều đó.
Những vấn đề như thế, thường được mô tả là “cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị”. Nghe thì to, nhưng nếu không thể quản lý tập trung, thì nguồn lực lại bị phân mảnh và thành bé.
Quan trọng hơn, khi các đầu mối bị tách rời, hoạt động giám sát hiệu quả cũng không thể thực hiện được: cuối cùng, thực ra cuộc vận động chống tảo hôn đã thực hiện được bao nhiêu chương trình, dự án, bao nhiêu phút phát thanh bao nhiêu giờ tuyên truyền, bao nhiêu cuộc gặp gỡ trực tiếp? Bạn sẽ cần rất nhiều bản báo cáo từ “cả hệ thống chính trị”. Ít nhất, là từ bộ phận quản lý thông tin cơ sở và... văn hóa cơ sở.
Đó không phải là sự vô lý duy nhất trong chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Có thể kể ra ví dụ mà các cơ quan quản lý nghe tên đã thấy trùng hoặc sự chồng lấn về mặt logic, khi một số trường cao đẳng dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, còn Cao đẳng Sư phạm thì do Bộ Giáo dục quản lý. Lương ở doanh nghiệp thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết, lương nhà nước thì Bộ Nội vụ.
Đến cuối, thứ bị lãng phí lớn nhất sẽ không phải là ngân sách trả lương của những bộ phận này – mà là sự lãng phí cơ hội. Khi nguồn lực điều chỉnh một vấn đề xã hội không thể tập trung, không quản lý tập trung, chúng ta không thể bàn đến “hiệu quả”.
Chỉ có một người ăn cơm và người đó có một nhu cầu dinh dưỡng cố định. Nhưng người duyệt chi tiền đi chợ, người đi chợ, và người nấu là ba nhân vật, có chương trình nghị sự khác nhau. Thậm chí trong bộ phận đi chợ, người đi mua rau, người đi mua thịt và người đi mua gia vị còn tách ra làm ba. Để thống nhất được việc nấu một bữa ăn, thứ đầu tiên mất đi chính là thời gian, để một lượng văn bản “phối hợp liên ngành”.
Chỉ có một người ăn cơm, đó là cô bé người Mông đang ngồi tựa cửa nhìn ra ngọn núi cao kia. Trong khung cảnh buồn của buổi chiều, lòng cô đang khấp khởi nghĩ đến phiên chợ đêm nay, nơi cô sẽ xúng xính mặc quần áo đẹp, đến gặp gỡ các bạn.
Tại phiên chợ đó, giữa ánh lửa bập bùng và men say, có một quầy “Cam kết không tảo hôn” do Đoàn thanh niên xã dựng lên. Hai đoàn viên ngồi đó, bên một cái bàn nhỏ, với vài tấm băng rôn phía sau tuyên truyền chống tảo hôn. Không ai ngó ngàng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng mỗi bên vào một thời điểm, một vị trí, bằng một mảnh nguồn lực riêng.
Và rồi những cô bé, cậu bé đó, sau ánh lửa, vẫn có thể nắm tay nhau đi về nhà và gọi nhau vợ - chồng.
Nếu có thể huy động nguồn lực tập trung, có lẽ ngay cả một thị dân bình thường cũng có thể vẽ ra vô số ý tưởng, viễn cảnh thú vị cho những phiên chợ như thế, để chống tảo hôn. Ca múa này, tiểu phẩm này, triển lãm này, livestream này... Nhưng nghĩ ra rồi ai làm đầu mối triển khai?
Đức Hoàng
Cần quy trách nhiệm về một mối
Không phải là một phóng viên chuyên trách giáo dục nhưng tôi lại khá có duyên với các thầy cô giáo sau một loạt bài viết, video đăng tải hồi năm 2023 trên trang cá nhân nói về thực trạng của các giáo viên ở những tỉnh miền núi. Kể từ đó, có thể nói là hàng tuần, tôi đều nhận được tin nhắn, thư điện tử của rất nhiều giáo viên ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc nhờ tôi lên tiếng.
Cụ thể, gần đây nhất, một số giáo viên ở một tỉnh Bắc Bộ đã nhờ tôi giúp họ việc sau 15 năm làm việc dưới dạng nhân viên hợp đồng, cuối cùng họ cũng đã được tuyển dụng chính thức vào ngạch công chức nhưng trớ trêu thay là bậc ngạch lương của họ lại không được chuyển ngang sang mà bị đặt lại ở mức gần như khởi điểm. Lần này, tôi không chọn cách lên tiếng trên truyền thông. Thay vào đó, tôi đã liên lạc trực tiếp với Phòng An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh, đề xuất họ gặp gỡ các giáo viên và nhờ họ tháo gỡ để không đặt giáo viên vào thế bị thiệt thòi đồng thời không làm mất uy tín của địa phương. Tại sao tôi lại chọn phương cách này? Đơn giản, qua kinh nghiệm những lần lên tiếng trước, tôi biết có quá nhiều đá tảng trong chuyện tuyển biên chế ngành giáo dục.
Theo suy nghĩ đơn giản, chúng ta sẽ luôn quy ngay trách nhiệm những vụ việc như trên về Sở Giáo dục - Đào tạo, thậm chí có thể lên tới cấp bộ. Chúng ta vẫn nghĩ, chuyện của ngành nào, ngành đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Việc tuyển giáo viên biên chế là một hoạt động bị soi chiếu bởi ít nhất là 3 đơn vị. Thứ nhất là Sở Nội vụ. Thứ hai mới tới Sở Giáo dục - Đào tạo và thứ ba, quan trọng không kém, Sở Tài chính.
Nội vụ kiểm soát câu chuyện về biên chế của địa phương, ở khắp các ngành. Giáo dục đề xuất nhu cầu, phương cách tuyển dụng v.v và v.v. Còn Tài chính là câu chuyện của ngân sách, bao gồm cả ngân sách địa phương lẫn trung ương. Nói tóm lại, Giáo dục cần người, muốn chi trả lương để có đủ con người đáp ứng nhu cầu nhưng Giáo dục không được quyền quyết định cơ bản. Thay vào đó, sẽ có những tham gia của các ngành còn lại, ở cương vị không rõ ràng là quản lý hay giám sát.
Thực trạng này đã dẫn đến chuyện ngành giáo dục đã nhiều năm nay không thể tiếp cận đủ 20% ngân sách tối thiểu hàng năm chi cho giáo dục theo nghị quyết của Quốc hội. Ngân sách cũng không phải thiếu tiền để chi cho giáo dục. Ý chí đầu tư cho Giáo dục cũng không thiếu, ở cấp quản lý nhà nước cao nhất. Cái thiếu chính là một hệ thống hành lang thông thoáng, gọn nhẹ, mạch lạc, dễ kiểm soát khi có quá nhiều chồng chéo yêu cầu các văn bản liên ngành.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không quy về một mối, tức là cứ để ngành giáo dục quyết định việc chi tiêu khoản ngân sách mà họ được cấp thay vì phải thông qua quá nhiều ngành khác. Việc quy về một mối này, và để sự tham gia của các ngành khác chỉ ở mức độ giám sát, hậu kiểm đúng nghĩa, sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, ngân sách cũng như là niềm tin của lực lượng giáo viên. Chính những loằng ngoằng đang tồn tại đã khiến rất nhiều giáo viên gửi thư cho tôi kèm theo bức xúc và ngờ vực rằng đang tồn tại tiêu cực. Thực tế, nhiều khi không hề có tiêu cực nhưng sự thiếu rõ ràng trong giải quyết từng trường hợp đã làm dấy lên tiêu cực. Từ đó, niềm tin đã bị bào mòn.
Việc để nhiều ngành tham gia xử lý chung một nhiệm vụ cũng sẽ dẫn tới câu hỏi về trách nhiệm không được trả lời rõ ràng. Như chuyện của các giáo viên kể trên, khiếu nại mà họ đưa lên Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ luôn nhận được câu trả lời là “Bên Nội vụ không chấp thuận hoặc bên Tài chính không phê duyệt”. Ngành Nội vụ đâu có sống 365 ngày với giáo dục mà hiểu hết được ngọn ngành các khó khăn của giáo dục. Họ chỉ máy móc với những “tiêu chuẩn” được đặt ra mà nhiều tiêu chuẩn có khi lại rất phi thực tế.
Trong khi đó, nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương cho cả một bộ máy cồng kềnh. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của sự dư thừa trong bộ máy hiện nay, cả về nhân sự lẫn cả về thể chế.
Những điểm nghẽn thể chế nằm ở chính cái cồng kềnh, với sự tham gia rối rắm và phức tạp, thiếu thực tế, thiếu hiệu quả và không có một ai cụ thể chịu trách nhiệm hoàn toàn. Giả sử, nếu ngành giáo dục một tỉnh đề xuất cần 1.500 suất biên chế cho 2025, với mức ngân sách cần sử dụng để đáp ứng chẳng hạn, hãy để cho họ được tiếp nhận ngân sách và chỉ tiêu sau khi đã đánh giá tổng thể. Việc họ tiến hành tuyển dụng, chi trả ra sao, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh ấy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cuối năm, không hoàn thành nhiệm vụ thì thi hành kỷ luật, cách chức. Sai phạm nặng hơn nữa thì có thể khởi tố. Nếu có một khung thực thi tiêu chuẩn gọn nhẹ như thế, sai phạm chắc chắn sẽ ít hơn, nhất là khi giám sát chặt chẽ hơn, kiểm tra trước, trong và sau kỹ lưỡng hơn. Song, chúng ta chưa xây dựng được một quy chuẩn khung hành động chung như thế. Và từ đó, ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự chồng chéo vẫn tồn tại như một nghiễm nhiên làm phiền cả bộ máy lẫn người dân.
Quy trách nhiệm về một mối chính là việc đầu tiên cần phải làm trong chiến lược tin gọn hôm nay. Tinh gọn bộ máy nên đặt câu chuyện thống nhất quyền lực trong bộ máy ấy thay vì phân tán nó ra để từ đó đẻ ra quá nhiều thủ tục và dẫn tới phân tán trách nhiệm. Đã quá lâu rồi, chúng ta bị đặt dưới một thể chế thừa quyền lực, thiếu giám sát và thiếu tập trung trách nhiệm. Chính vì thế, sự cồng kềnh ấy đã trở thành rào cản rất lớn trong công cuộc cải cách vươn mình.
Bây giờ, phải xem như thời kỳ đó đã qua và từ phát súng lệnh “TINH GỌN”, cần bắt đầu một thời kỳ mới với sự tối giản về thủ tục nhưng tăng phần trách nhiệm của những cá nhân đứng mũi chịu sào.
Hà Quang Minh
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tinh-gon-va-go-diem-nghen-i751434/