Ngày 6/2, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168, điều có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là việc xử lý vi phạm đã giảm đáng kể so với thời gian trước liền kề, điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng CSGT.
Lực lượng CSGT thực hiện kiểm tra việc chấp hành luật giao thông của người dân.
Đại diện Cục CSGT minh chứng, tại các nút giao thông, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường…, qua đó tình trạng ùn tắc giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 đến 3 nhịp đèn tín hiệu có thể lưu thông, khách quốc tế đánh giá cao việc chấp hành của người dân.
Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”.
Bên cạnh đó, Cục CSGT tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát hoàn thiện yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội và tốc độ gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông.
Kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên đường của người dân.
Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 1/1 đến ngày 31/1), tình hình tai nạn giao thông đường bộ đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề; cùng thời gian lực lượng CSGT đã xử lý 70.426 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 589 trường hợp dương tính với ma túy…
Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 31/1, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương; so với thời gian trước liền kề, giảm 18,25% số vụ, giảm 9,83% số người chết, giảm 20,12% số người bị thương.
Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, 36,69% số vụ, giảm 37,61% số người chết, giảm 38,34% số người bị thương. Theo thống kê từ ngành Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 11%, số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28,9%, đáng lưu ý là số lượng người bệnh bị tai nạn nặng phải mổ cấp cứu do tai nạn giảm đáng kể.
Nghị định 168 cũng đã đánh mạnh vào ý thức người dân chấp hành không đi lên vỉa hè.
Trong công tác xử lý vi phạm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 327.349 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), chứng chỉ chuyên môn 27.820 trường hợp; 28.762 GPLX bị trừ điểm; tạm giữ 1.823 ô tô, 93.766 mô tô. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 48.160 trường hợp (-12,8%); trong đó: xử lý vi phạm nồng độ cồn 70.426 trường hợp, giảm 10.484 trường hợp (-13%); vi phạm tốc độ 73.043 trường hợp, giảm 1.545 trường hợp (-2,1%); người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy 589 trường hợp, giảm 161 trường hợp (-21,5%).
Vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng 4.531 trường hợp, giảm 3.564 trường hợp (-44%); chở quá số người quy định 2.695 trường hợp, giảm 2.299 trường hợp (-46%); vi phạm phần đường, làn đường 11.572 trường hợp, giảm 5.097 trường hợp (-30,6%); không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông 5.106 trường hợp, giảm 2.957 trường hợp (-36,7%); không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông 276 trường hợp, giảm 127 trường hợp (-31,5%); vi phạm về mũ bảo hiểm 33.193 trường hợp, giảm 10.362 trường hợp (-23,8%)...
Hà Tây