Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn qua xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Thời điểm đêm tối, tài xế Nguyễn Danh Đ. lái ô tô tải BKS 19C-220.XX tông trúng người phụ nữ dắt theo trẻ nhỏ đi bộ trên cao tốc. Cú tông khiến cháu bé tử vong, người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tình huống ô tô đâm chết người đi bộ trên đường cao tốc, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đặc biệt làm rõ tốc độ và khả năng quan sát của người điều khiển xe cơ giới. Từ đó, làm căn cứ xác định có xử lý hình sự hay không đối với tài xế này.
Trường hợp người đi bộ băng qua đường trong tình huống lái xe khó quan sát do trời tối, đường đông, góc khuất hoặc cự li gần… thì được xác định là tình huống bất ngờ, tài xế không kịp xử lý.
Như vậy, tài xế sẽ được xác định là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý, (trong đó không phải chịu trách nhiệm hình sự và thậm chí không phải bồi thường thiệt hại dân sự).
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến một em bé tử vong. Ảnh: Cắt từ Clip
Đường cao tốc nói chung và tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai nói riêng là đường dành riêng cho xe cơ giới, pháp luật nghiêm cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc, đặc biệt là hành vi băng qua đường.
Trường hợp người đi bộ cố tình đi vào đường cao tốc khiến người điều khiển phương tiện xe cơ giới không kịp xử lý tình huống dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra thì có thể xác định lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
“Người điều khiển xe cơ giới chỉ được coi là có lỗi, phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu người điều khiển phương tiện có khả năng quan sát, còn thời gian để xử lý tình huống nhưng thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ thì mới phải chịu trách nhiệm pháp lý”, TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cụ thể, tại Điều 25, Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
“Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người đi bộ không được đi vào đường cao tốc”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Mức phạt 600.000 đồng cho người đi bộ trên cao tốc không đủ sức răn đe
Một chuyên gia giao thông cũng lo ngại, khi đây không phải vụ tai nạn giao thông đầu tiên xảy ra giữa người đi bộ với phương tiện xe cơ giới trên đường cao tốc.
Trước đó đã xảy ra không ít những trường hợp người đi bộ tập thể dục, đi bộ băng qua đường cao tốc, thậm chí phá rào, trèo qua dải phân cách để vào đường cao tốc đón xe khách… Đây là những hành vi hết sức nguy hiểm cần phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh những vụ tai nạn giao thông thương tâm có thể xảy ra.
“Bởi vậy, ngoài việc xử lý đối với các vụ tai nạn giao thông đã xảy ra thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp người đi bộ, hoặc điều khiển các loại phương tiện thô sơ vào đường cao tốc để tránh những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra”, vị chuyên gia này nói.
Điều 10, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi: Đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc); mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
“Tôi cho rằng với mức phạt 600.000 đồng cho người đi bộ đi vào đường cao tốc không lớn, sức răn đe không cao bởi vậy cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn để tránh gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông”, vị chuyên gia này nói.
N. Huyền