Có lần tôi và nhà báo Kim Dung (Báo Nhân Dân) đến thăm khi dãy phòng học của trường vừa mới được đưa vào sử dụng, còn thơm mùi vôi vữa. Khi đó, anh Trần Văn Hùng-Cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo được tăng cường về dạy Văn cấp III ở trường đã ân cần tiếp chúng tôi chu đáo.
Thời bấy giờ, Chư Prông được xem như huyện vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, giao thông trở ngại. Tuy vậy, vùng đất Chư Prông được đánh giá là nơi giàu tiềm năng nên tỉnh và các ngành Trung ương đầu tư để phát triển cây công nghiệp, nhất là cây cao su.
Từ đó, dân số tăng nhanh và nhu cầu học tập của con em ở địa phương ngày càng cao. Và, ngôi trường cấp II-III mới được xây dựng ngay ở trung tâm huyện. Người dân rất vui mừng vì con em họ không phải đi học xa nhà.
Mới đây, Trường THPT Lê Quý Đôn phát động đợt thi đua “Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập trường”. Cũng là cái duyên, tôi được chứng kiến sự gặp gỡ các thế hệ học sinh cũ của anh Trần Văn Hùng và nghe những câu chuyện cảm động về tình thầy trò trong những ngày đầu gian khổ. Lứa học sinh đầu cấp III thời ấy như các anh Triệu Ngọc Trường, Võ Văn Vui, Triệu Ngọc Thành đã chia sẻ về những ngày đón thầy Hùng.
Buổi sáng năm ấy, được tin báo có thầy giáo do Sở Giáo dục và Đào tạo biệt phái về trường giảng dạy, một số học sinh lớp 10 xin phép nhà trường tình nguyện ra đón thầy ở bến xe thị trấn. Tuy chưa biết mặt thầy giáo mới, nhưng khi thấy một thanh niên trẻ trung, nhanh nhẹn, ăn mặc chỉnh tề, mới nhìn thoáng qua có vẻ mang dáng dấp một nghệ sĩ hơn là thầy giáo bước xuống chuyến xe đò với chiếc ba lô và mấy bao tải sách vở… nhóm học sinh liền chạy tới đỡ tư trang và hỏi: “Xin lỗi, thầy có phải là thầy Hùng không ạ? Chúng em là học sinh Trường cấp II-III Chư Prông được phép ra đón thầy đây ạ!”.
Còn anh Hùng thì bồi hồi nhắc nhớ: Khi nghe các em học sinh nói thế, anh vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng vì không ngờ nhà trường lại chu đáo đến vậy.
“Dù không hoa hòe nhưng với lòng chân tình của các em trong bộ đồ lấm đầy bụi đỏ, tôi thật sự xúc động. Không ngờ ở một trường vùng khó khăn mà các em có lòng quý trọng thầy giáo, chứng tỏ sự hiếu học đã nảy mầm trên vùng đất này.
Trong những ngày đầu sắp xếp chỗ ăn ở, các em luôn quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ của thầy. Dù mới đến vùng đất xa lạ và gian khổ nhưng được tiếp cận với các em một cách hồn nhiên như những đóa hoa rừng tươi tắn, lòng tôi bỗng thấy nhẹ tênh. Tôi vứt bỏ hết bao trăn trở, lo âu để hòa với nhịp sống mới trong môi trường đầy ắp tiếng cười của tuổi học trò mộng mơ”-anh Hùng kể.
Khi về trường, các lớp học mới xây còn trống trơn, anh đã cùng Ban Giám hiệu đi vận động các công ty, xí nghiệp trên địa bàn giúp đỡ đóng bàn ghế để cho các em ngồi học. Các doanh nghiệp nhà nước cũng chia sẻ với những khó khăn của nhà trường nên nhiệt tình ủng hộ vừa chung tay cùng ngành Giáo dục địa phương vừa tạo điều kiện để con em công nhân và Nhân dân lao động có nơi học hành ổn định.
Còn đây là những lời tâm sự của học trò cũ Trần Ngọc Nhiệm: “Năm chúng tôi học lớp 10 được thầy Hùng chủ nhiệm. Thầy rất vui vẻ mà nghiêm lắm. Bạn nào lười học, không thuộc bài hay vi phạm nội quy nhà trường bị thầy phạt lao động phồng tay.
Bấy giờ, trường chưa có nhiều cây xanh, thầy nghĩ ra cách, học sinh nào vi phạm như trốn học không lý do, gây gổ đánh nhau hay vô lễ với thầy cô… thì bị phạt đào hố để trồng cây. Lâu dần, cây xanh trong khuôn viên trường lần lượt được phủ kín, tạo nên không gian đầy bóng mát”.
Giờ đây, cứ mỗi khi có dịp, các thế hệ giáo viên và học sinh cũ của Trường THPT Lê Quý Đôn lại gặp mặt, ôn chuyện xưa. Và, nói như anh Hùng thì: “Dù tôi xa trường đã lâu nhưng các em học sinh ngày ấy chưa bao giờ quên tôi. Mỗi khi có việc lớn của gia đình, các em đều mời tôi về tham dự một cách trân trọng.
Khi tôi có dịp về công tác ở huyện, các em học sinh cũ hay tin đều tìm đến hàn huyên. Và khoảng cách thầy trò dường như không còn như xưa nữa khi những mái đầu cũng điểm bạc như nhau. Tôi tự hào khi được các em gọi là thầy”.
BÙI QUANG VINH