Trong cuộc thảm sát này có ông Ronald Heaberle, một phóng viên quân đội Hoa Kỳ, là người duy nhất chụp được những tấm ảnh thương tâm. Ông kể lúc đó mang trong người 2 chiếc máy ảnh, một chiếc Leica do quân đội Mỹ cung cấp, chụp đen trắng phục vụ cho quân đội Mỹ, tất nhiên trong máy ảnh này không bao giờ có cảnh đốt nhà, giết người dã man của quân đội Mỹ đã làm và một máy ảnh khác nhãn hiệu Nikon của cá nhân ông, chụp bằng phim màu. Nhờ chiếc máy ảnh này mà ông đã chụp được cảnh người dân bị bắn chết nằm khắp nơi bên đồng ruộng, bờ mương. Chính những hình ảnh đó làm cho thế giới căm phẫn và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh do họ gây ra trên đất nước Việt Nam.
Tấm ảnh “Anh che đạn cho em"
Khi tìm hiểu về sự kiện này, nhất là nhân Kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai, Sơn Mỹ 16/3/2018 tại Quảng Ngãi, vì là đạo diễn phim tài liệu nên tôi cũng có mặt và thấy được bức ảnh “Anh che đạn cho em”; đồng thời rất muốn biết người trong ảnh này là ai, còn sống hay đã chết. May mắn thay, tôi đã gặp được anh Trần Văn Đức (người anh che đạn cho em trong bức ảnh, hiện sinh sống tại Cộng hòa liên bang Đức). Còn người em Trần Thị Hà được anh che đạn giờ là giáo viên của tỉnh Quảng Ngãi. May mắn hơn nữa là trong dịp này, tôi đã gặp và phỏng vấn ông Ronald Heaberle, người duy nhất chụp những tấm ảnh mang tính lịch sử. Đây được xem là tia sáng hiếm hoi rọi đúng vào góc khuất tối tăm nhất của cuộc chiến tranh mà còn khởi đầu cho câu chuyện khác về tình người không biên giới.
Ông Trần Văn Đức
Khi tôi hỏi vì sao ông chụp được những tấm hình mà quân đội Mỹ đã gây ra trong một xóm nhỏ ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ) làm 504 người chết trong buổi sáng 16/3/1968, ông nói: “Hôm đó lẽ ra tôi không phải đi chụp hình cho sự kiện này vì tôi đã hết hạn phục vụ quân đội Mỹ ở Việt Nam và chuẩn bị về nước, nhưng không hiểu sao khi người chỉ huy gọi điện hỏi tôi có cần đi chụp hình trong cuộc hành quân này không thì tôi đồng ý.
Khi vào tới làng, tôi nghe nhiều tiếng súng nổ và trước mắt tôi có quá nhiều người già, trẻ em bị bắn chết dọc bờ ruộng. Tôi nhìn thấy một phụ nữ khoảng 50 tuổi, đó là cảnh tượng kinh hoàng, một thảm kịch, bà nằm chết bên cạnh chiếc nón lá… Đừng hỏi vì sao tôi chụp bức ảnh đó, tôi không biết vì sao, đó chỉ là phản ứng tự nhiên của tôi trong một khoảnh khắc mà sự việc diễn ra”.
Ông Ronald Heaberle và anh Đức họp báo ở Quảng Ngãi.
Ông không hiểu vì sao đã chụp được những tấm hình này, nhưng việc làm của ông có ý nghĩa rất to lớn. Những tấm hình ông ghi lại đã thành di sản của nhân dân Việt Nam và thế giới. Ông còn là người dũng cảm khi cho đăng tải những hình ảnh ghê rợn, cái chết tức tưởi của những người phụ nữ, trẻ em, người già trong chiến tranh Việt Nam. Quân đội Mỹ để lại vết nhơ không thể nào phai mờ trong tâm thức của nhân dân Việt Nam và thế giới.
Trần Văn Đức, người anh che đạn cho em trong bức ảnh đã chứng kiến cảnh lính Mỹ bắn vào người dân đang hoảng loạn, la khóc thảm thiết. Lúc này, anh và em gái Trần Thị Hà mới hơn một tuổi nằm bất động và ông Ronald Heaberle nhìn thấy, kịp thời bấm máy lưu lại tấm ảnh có một không hai này. Anh Đức kể khi nhớ về ông Harry Colburn, người lái trực thăng đã nhìn thấy mẹ anh và bảo bà ngồi chờ chút nữa ông quay lại dùng máy bay chở bà và những người bị thương còn sống đến nơi an toàn. Khi ông Harry quay lại thì đã trễ, mẹ anh bị lính Mỹ bắn chết. Bà chính là người phụ nữ tử vong bên chiếc nón lá và ông Ronald đã chụp được tấm hình này.
Ông Larry Colburn (phải) là một trong 3 người lái máy bay trực thăng đã cứu sống hơn 40 người trong vụ thảm sát
Ông Harry Colburn là một trong 3 người lính Mỹ đã cứu sống hơn 40 người dân Việt Nam thoát khỏi cái chết từ trong cuộc thảm sát ấy. Vậy là trong hoàn cảnh tang thương nhất, ác liệt nhất vẫn có những con người hướng thiện, vẫn có tình người không biên giới. Ông Harry và gia đình đã đến gặp gia đình anh Đức tại Cộng hòa liên bang Đức để xin được tha thứ vì đã không cứu được mẹ anh. Ông Harry cũng muốn trở lại nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) cùng anh Đức, nhưng mong ước đó vẫn không thành vì năm 2019, ông Harry Colburn đã về cõi vĩnh hằng.
Tôi luôn nghĩ, nếu như ông Ronald không chụp được những tấm hình vô giá này, nếu như anh em anh Trần Văn Đức đã chết trong vụ thảm sát ấy thì làm sao các thế hệ người Việt Nam và thế giới thấy, hiểu được sự dã man mà quân đội Mỹ đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Còn chúng ta, những người làm phim tài liệu nghĩ gì nếu như không làm ra phim mà cứ để những hình ảnh, những di sản này nằm trong kho? Tôi tin là sách, âm nhạc và phim ảnh có giá trị sẽ giúp cho con người trên toàn thế giới hiểu được cái giá của hòa bình, biết trân quý cuộc sống và bảo vệ hòa bình.
TPHCM, ngày 20/4/2025
Hoàng Nguyễn