Chiều 11/5, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức phiên họp lần 2 để thảo luận về các vấn đề sáp nhập tỉnh giữa hai địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum họp phiên thứ 2 về sáp nhập tỉnh giữa 2 địa phương. Ảnh: Bình An
Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận là phương án sắp xếp cán bộ sau sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, tổng số cán bộ Kon Tum dự kiến phải di chuyển về Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi mới là 1.163 người, trong đó có 121 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 1.042 cán bộ còn lại.
Quảng Ngãi đang xây dựng phương án bố trí nhà công vụ cho 97 người thuộc diện Ban Thường vụ quản lý, hỗ trợ thuê nhà cho 11 người cùng diện và toàn bộ số cán bộ còn lại. Để thực hiện, tỉnh dự kiến chuyển đổi công năng của 4 cơ sở nhà, đất thành nhà công vụ, gồm: Nhà A3 Tỉnh ủy, Nhà khách T50, ký túc xá Trường Chính trị tỉnh; Nhà ở, trụ sở làm việc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đang tiếp tục rà soát quỹ nhà, đất công vụ khác để bổ sung.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Quảng Ngãi giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án phù hợp để trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Chính sách này nếu được thông qua sẽ áp dụng trong 2 năm, sau đó sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho rằng, việc đưa hơn 1.000 cán bộ cùng lúc về Quảng Ngãi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi khoảng cách giữa hai địa phương lên tới gần 200 km, đi lại vất vả qua địa hình rừng núi. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề xuất, cần tính đến phương án thành lập cơ sở 2 đặt tại thành phố Kon Tum (thuộc tỉnh Kon Tum hiện tại).
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang. Ảnh: Bình An
Cho rằng “an cư” mới “lạc nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề nghị, cần có bộ phận thường trực tại cơ sở 2 để thuận lợi trong công tác điều hành, sau này khi ổn định có thể dần điều chỉnh.
"Khoảng cách Quảng Ngãi - Kon Tum rất xa, lên đến khoảng 200 km đường rừng núi, đi lại khó khăn. Việc tổ chức thực hiện cơ sở 2 cũng đã được Trung ương gợi ý nhằm không để công việc gián đoạn, trống địa bàn”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề xuất.
Với các ý kiến góp ý trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai địa phương thống nhất sẽ thành lập cơ sở 2 trong giai đoạn đầu hợp nhất tỉnh.
Khẳng định Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống, nơi ở cho cán bộ sau sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh sẽ tính toán kỹ phương án bố trí cán bộ tại cơ sở 2, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, gần dân, đồng thời ứng dụng hạ tầng số để liên thông công việc.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Ảnh: Bình An
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp thu toàn bộ góp ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum. Trong đó, sẽ tính toán thành lập cơ sở 2 ở TP. Kon Tum hiện nay, bởi đúng là địa hình của chúng ta rất khó khăn trong đi lại”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nói. Đồng thời, giao UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh nghị quyết về chính sách hỗ trợ thuê nhà, rà soát toàn bộ tài sản công, đặc biệt là những cơ sở nhà đất không sử dụng của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn để kiến nghị chuyển đổi thành nhà công vụ phục vụ cán bộ.
Cũng tại cuộc họp, Ban Thường vụ hai tỉnh đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến sắp xếp cán bộ cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, số lượng đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030 và dự thảo các văn kiện trình đại hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất thành lập cơ sở 2 tại TP. Kon Tum sau sáp nhập để thuận tiện cho điều hành, giảm áp lực di chuyển cho cán bộ và đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả.
Vũ Lê