HĐND tỉnh An Giang, Kiên Giang vừa thông qua đề án hợp nhất 2 tỉnh này theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng: “Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang”.
Sau khi hợp nhất, tỉnh An Giang (mới) có diện tích hơn 9.888km2, dân số gần 5 triệu người, với 102 đơn vị hành chính (ĐVHC) trực thuộc. Đây cũng chính là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long sau sắp xếp.
Miếu Bà Chúa Xứ - địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở An Giang. Ảnh: BQL Khu du lịch quốc gia núi Sam
An Giang gắn liền với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng…
Địa phương này có nhiều dân tộc cùng sinh sống lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú với nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc độc đáo. Những yếu tố đặc sắc trên giúp An Giang phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch đặc thù, nhất là du lịch văn hóa tâm linh.
Kiên Giang có gần 50km đường biên giới trên bộ giáp 2 tỉnh của Campuchia và hơn 140 đảo lớn nhỏ (trên 43 đảo có dân sinh sống). Theo quy hoạch, đây sẽ là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trong đó các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Riêng Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc mang đẳng cấp quốc tế.
Đề án chỉ rõ, việc hợp nhất 2 ĐVHC cấp tỉnh trên sẽ hình thành một tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, với sự kết hợp giữa kinh tế biển, thương mại biên giới, nông nghiệp và du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất gắn với lợi thế về giao thương biên giới, cảng biển…
Cán bộ, công chức, trụ sở sau hợp nhất sắp xếp ra sao?
Tổng số biên chế của tỉnh An Giang sau hợp nhất là 29.911 người. Trong đó, biên chế hiện có của tỉnh An Giang là 16.939 người. Kiên Giang có 12.972 biên chế.
Theo đề án, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh An Giang sau hợp nhất tối đa không vượt quá tổng số biên chế của An Giang và Kiên Giang trước hợp nhất và thực hiện tinh giản gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, trong thời hạn 5 năm.
Rạch Giá, nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh An Giang mới. Ảnh: Phương Vũ
Sau khi chính quyền địa phương tỉnh An Giang đi vào hoạt động, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyển giao biên chế cho tỉnh theo quy định.
Quá trình sắp xếp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền rà soát, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ, đảm bảo giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức tỉnh An Giang khi chuyển về công tác tại TP Rạch Giá.
Qua rà soát, tổng số trụ sở công (cấp tỉnh) của 2 tỉnh trước khi thực hiện sắp xếp là 876. Trong đó, dự kiến 718 trụ sở sẽ tiếp tục được sử dụng; 40 trụ sở không sử dụng và 118 trụ sở có phương án khác.
UBND 2 tỉnh phối hợp xây dựng phương án tiếp tục bố trí, sử dụng, thực hiện điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác sử dụng hoặc tổ chức đấu giá tài sản theo quy định; đảm bảo sẽ giải quyết toàn bộ trụ sở dôi dư trong vòng 5 năm.
Trần Tuyên