Theo dự kiến, sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Ảnh minh họa
Thời điểm chín muồi để sáp nhập
Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương "Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã". Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.
Theo dự kiến, sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, chủ trương Trung ương về việc sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính ở thời điểm này là thuận lợi và sát với thực tế, thời điểm chín muồi để tiếp hành sáp nhập.
Ông Nguyễn Túc cho biết, Đại hội IV năm 1976 đã đưa ra chủ trương thực hiện sáp nhập trên quy mô lớn, kỳ vọng đưa đất nước đạt tốc độ tăng trưởng cao như Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình… Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra sau 10 năm sáp nhập đã không đạt được, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Thời điểm đó đất nước vừa kết thúc chiến tranh. Đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo đến nơi đến chốn trong khi sáp nhập 3 tỉnh thành 1 với quy mô rất lớn nhưng năng lực quản lý và lãnh đạo còn hạn chế. Thời điểm đó phương tiện thông tin liên lạc cũng kém, hạ tầng chưa tốt nên càng làm, năng suất càng giảm. Đến Đại hội VI, Đảng đã xem xét và đánh giá chủ trương đó là chủ quan, nóng vội, duy ý chí dẫn đến bảo thủ, trì trệ.
Theo ông Nguyễn Túc, sau 40 năm đổi mới, đất nước đã khác, đúng như lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Tiềm lực kinh tế của nước ta đã lớn mạnh hơn, đội ngũ cán bộ được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý. Một bộ phận không nhỏ được đào tạo ở nước ngoài bao gồm những nơi có nền kinh tế thị trường. Khoa học kỹ thuật phát triển, hạ tầng giao thông rất tốt… có rất nhiều điều kiện thuận lợi để chúng ta tiến hành sáp nhập.
Ngoài ra, việc sáp nhập lần này đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người dân. Sáp nhập sẽ tinh giản bộ máy, hiệu quả làm việc sẽ cao hơn thì dân được nhờ. Bộ máy hiện tại đang quá cồng kềnh khi phải dành đên 70% ngân sách để nuôi, chắc chắn không ai ủng hộ. Khi bộ máy tinh gọn, hiệu quả, người dân sẽ thấy tiền thuế mình đóng góp được sử dụng hiệu quả. Sẽ qua cái thời một việc có đến ba, bốn cấp, rồi đến mấy ngành thực hiện. Sự chồng chéo này làm tốn thời gian, tiền bạc của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Túc cũng không thể nhìn tất cả mọi việc đều màu hồng và chỉ có thuận lợi. Việc sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính lần này là cuộc cách mạng thật sự, chưa từng có tiền lệ và những khó khăn ban đầu là không tránh khỏi.
Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì không có mô hình đi trước, chưa từng có tiền lệ nên chúng ta phải thực hiện thận trọng. Dù chúng ta vẫn nói vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng phải có độ ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tiềm lực kinh tế của nước ta đã lớn mạnh hơn, đội ngũ cán bộ được đào tạo đến nơi đến chốn..., có rất nhiều điều kiện thuận lợi để chúng ta tiến hành sáp nhập. Ảnh minh họa
"Rất ủng hộ chủ trương sáp nhập. Cần làm quyết liệt và khẩn trương nhưng cũng phải rất trọng, tránh nóng vội. Từ thực tiễn năm 1976 đã cho chúng ta một bài học. Đừng bao giờ chủ quan và nóng vội vì chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng chưa có tiền lệ. Nhanh, mạnh nhưng phải vững chắc. Cần có những thí điểm để rú kinh nghiệm. Cần có sự đồng lòng, đoàn kết vì đoàn kết là sức mạnh, là làm nên tất cả", ông Nguyễn Túc chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Túc, chúng ta đã từng mắc lỗi này khi thực hiện đổi mới như trường hợp dùng đất đổi lấy công trình ở Bà Rịa Vũng Tàu đã từng bị phê phán rất nghiêm trọng, nhưng sau này mới thấy đó là sáng kiến hay. Rồi trường hợp một đồng chí ở Long An, thấy dân xếp hàng tem phiếu khổ quá, đồng chí chủ trương tiền tệ hóa đồng lương thì bị Trung ương phê bình. Rồi ở Hải Phòng cũng có đồng chí bị phê bình vì khoán chui… Những việc làm ấy xuất phát từ nguyện vọng của người dân, thấy bất cập thì sửa chứ không phải là đi ngược lại chủ trương. Mãi đến khi đổi mới, nhìn nhận lại thì mới thấy đó là những sáng tạo đem lại lợi ích cho người dân.
Do vậy, chúng ta thực hiện sát nhập, tinh gọn bộ máy là chủ trương rất đúng nhưng cần phải tránh cái chủ quan duy ý chí dẫn đến nóng vội trì trệ. Thực tiễn của giai đoạn từ năm 1976 đến 1986 đã cho chúng ta bài học này.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân do đó lấy ý kiến của nhân dân. Ngoài ra, cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ đó có được phương án tốt nhất. Việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ đạt được mục tiêu tinh gọn. Cũng cần lưu ý, khi tiến hành sáp nhập, tinh giản bộ máy hành chính phải tránh được việc "chảy máu chất xám", phải giữ được người có đức có tài ở lại như thế mới xây dựng được một chính quyền vững mạnh, phục vụ người dân tốt hơn.
Khắc phục những khó khăn
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng… Tuy nhiên, làm thế nào để chính quyền địa phương sau sáp nhập có thể đi vào hoạt động trơn tru, đáp ứng các nhu cầu dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân, giải quyết được những khúc mắc có thể gặp phải sau sáp nhập là những thách thức không nhỏ. Để giải quyết những vấn đề này cần triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Theo đó, trước tiên phải đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Khi người dân có thể nộp hồ sơ, tra cứu, theo dõi và nhận kết quả thủ tục hành chính qua mạng thì khoảng cách địa lý không còn là rào cản lớn. Đây chính là con đường ngắn nhất để đưa chính quyền đến gần dân hơn trong điều kiện "xã to".
Bên cạnh đó cũng cần thiết lập các trung tâm hành chính vệ tinh hoặc các điểm tiếp dân lưu động. Thay vì dồn tất cả dịch vụ công về một trụ sở xã mới, chính quyền có thể duy trì những điểm phục vụ nhân dân ở các thôn, làng, cụm dân cư cũ - ít nhất là theo định kỳ. Điều này vừa giảm tải cho trụ sở chính, vừa giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, việc áp dụng cơ chế phân quyền linh hoạt - ví dụ mô hình trưởng thôn, tổ trưởng dân phố có thể giải quyết một số thủ tục hành chính đơn giản, như xác nhận giấy tờ, chứng thực chữ ký, xác nhận cư trú… là rất cần thiết. Cách làm này không mới, nhưng cần được thể chế hóa rõ ràng và bảo đảm trách nhiệm giải trình.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, đặc biệt là năng lực số, năng lực tổ chức công việc trong điều kiện mới. Cấp xã ngày nay không chỉ là "chính quyền cơ sở" theo nghĩa hành chính, mà phải là một "chính quyền phục vụ" thực sự.
Xã có thể to hơn nhưng chính quyền không được "xa dân". Ngược lại, nhờ công nghệ, tổ chức thông minh và tinh thần phục vụ, hoàn toàn có thể đưa dịch vụ công đến tận từng ngõ, từng nhà, đúng như tinh thần "lấy người dân làm trung tâm".
(Còn nữa)
Nhóm PV