Tinh gọn bộ máy Nhà nước giúp loại bỏ những bộ phận trung gian, giảm gánh nặng chi phí và tăng cường tính năng động, linh hoạt các cơ quan Nhà nước. Hoạt động cải cách không những phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn mang lại hiệu quả trong chỉ đạo tập trung từ Trung ương xuống địa phương. Cùng với đó, tinh gọn bộ máy trong tình hình hiện nay giúp tái cơ cấu nguồn lực, tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được hợp nhất, tinh gọn thêm một bước. Sau khi tinh gọn bộ máy, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hiện còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 đầu mối so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, Chính phủ đã có phương án giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 518 cục và tổ chức tương đương. Việc triển khai quyết liệt, khẩn trương thể hiện quyết tâm xây dựng bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, vì dân nhân dân phục vụ. Trên bình diện chung, tinh gọn bộ máy theo định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW là bước chuyển quan trọng, khẳng định quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tính hiệu quả về tinh giản bộ máy Nhà nước trong giai đoạn hiện nay đã được thể hiện rõ với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ to lớn của nhân dân. Tuy nhiên, trước những bước chuyển mình quan trọng “dám nghĩ, dám làm” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam thì các thế lực xấu lại tìm cách xuyên tạc, chống phá. Các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối chính trị xuyên tạc về hoạt động tinh giản bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước hiện nay, đưa ra những thông tin sai trái trên mạng Internet. Các trang web như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA Tiếng Việt... vu cáo rằng, việc tinh gọn bộ máy chỉ là “trò mị dân”, nhằm “thanh trừng nội bộ”, “tập trung phe cánh, quyền lực”.
Chúng cho rằng, quá trình này thiếu minh bạch, không tinh giảm được biên chế mà chỉ tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và loại bỏ nhân tài. Thậm chí, chúng còn cho rằng việc sáp nhập các bộ, ngành là “hủy hoại hệ thống”, gây rối loạn, bất ổn xã hội...
Một số bài viết cố tình đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, đánh tráo bản chất của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Những luận điệu mà chúng thường đưa ra như: Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy “chỉ là hình thức”, nhằm mục đích “chia ghế”, “đấu đá phe nhóm”, tạo cơ hội cho cán bộ chạy chọt, kiếm chác, gây tốn kém ngân sách; vu cáo sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tạo “lợi ích nhóm”, việc hợp nhất bộ, ngành chỉ là “giả tạo”. Chúng quy kết rằng, cơ cấu bộ máy Nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, gây tốn kém, phức tạp, gây xáo trộn, rối loạn nguy hiểm. Một số đối tượng bịa đặt rằng, tinh giản biên chế là “trò chơi quyền lực, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia”. Cùng với đó, một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA… và trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, cho rằng đổi mới ở Việt Nam là đổi mới nửa vời vì không đổi mới chính trị và cải tổ hệ thống chính trị thì việc hợp nhất bộ máy không giải quyết gì. Các đối tượng cố tình đánh tráo khái niệm giữa đổi mới chính trị, cải cách hệ thống chính trị với chế độ chính trị, cho rằng Đảng cần “xóa bỏ độc tài”, phải đa nguyên, đa đảng thì bộ máy mới hiệu lực, hiệu quả…
Trước những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tinh giản bộ máy Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, những luận cứ sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề và phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đối với vấn đề này.
Việc sắp xếp bộ máy được thực hiện công khai, dựa trên nguyên tắc công bằng, khách quan. Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về “Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy”. Chẳng hạn, việc hợp nhất các bộ như Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên & Môi trường đã khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, tăng hiệu quả quản lý đa ngành. Hơn nữa, sau khi hợp nhất còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ và giảm các tổng cục, vụ, cục, hiệu suất giải quyết thủ tục hành chính tăng 30%, tiết kiệm ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức mới cũng tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số, giảm 40% thời gian phê duyệt dự án... Cùng với đó, nhìn từ góc độ thế giới, các nước như Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ... đều trải qua quá trình tinh gọn bộ máy để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ, Nhật Bản giảm từ 22 bộ xuống còn 11 vào năm 2001, giúp tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây nhất, chính quyền mới của Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump giao cho tỷ phú Elon Musk nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), nhằm thúc đẩy cắt giảm nhân sự và tiết kiệm chi tiêu. Trong đợt cải tổ vừa qua, gần 10.000 công chức, chủ yếu là những nhân viên mới được tuyển dụng và đang trong thời gian thử việc, đã bị loại bỏ khỏi bộ máy chính phủ. Đồng thời, kế hoạch của DOGE không chỉ nhằm loại bỏ những vị trí thừa mà còn đề ra mục tiêu cắt giảm khoảng 75% biên chế của các cơ quan liên bang, giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách và nâng cao hiệu suất hoạt động...
Chúng ta phải khẳng định rằng, đổi mới chính trị, hệ thống chính trị hoàn toàn không phải là thay đổi chế độ chính trị mà đó là quá trình hoàn thiện nền dân chủ XHCN trên cơ sở đổi mới về tư duy chính trị và hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam chính là đổi mới các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị để có một hệ thống chính trị tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao nhằm dẫn dắt đất nước phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng XHCN.
Trong bài viết “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người đề cao việc “chống tham ô, lãng phí, quan liêu” để xây dựng bộ máy trong sạch. Tinh thần này được kế thừa trong Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thể hiện qua việc sáp nhập tổ chức, giảm biên chế, tập trung vào chất lượng đội ngũ cán bộ. Trước thông tin xuyên tạc về hoạt động tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước trong tình hình hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính trị... Việc tinh gọn bộ máy không phải “cắt giảm bừa bãi” mà là tái cấu trúc trên cơ sở nghiên cứu, mang tính khoa học căn cứ trên tình hình thực tiễn để nâng cao trách nhiệm, gắn với chính sách đãi ngộ xứng đáng cho người có tài. Chúng ta thấy, sự ủng hộ của toàn dân là động lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Nhà nước hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Phải khẳng định rằng, cải cách tinh gọn bộ máy Nhà nước là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế toàn cầu và nguyện vọng của nhân dân. Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết số 18 (Khóa XII) về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động để khơi thông mọi nguồn lực trong xã hội. Những thành tựu ban đầu như giảm chi phí, tăng hiệu suất đã chứng minh tính khả thi của chính sách. Trước các luận điệu xuyên tạc, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước kiến tạo bộ máy “tinh gọn - mạnh mẽ - hiệu quả”, vì một Việt Nam phồn vinh, hùng cường.
Triết Giang