Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đập tan tất cả các mưu toan chống phá của các thế lực thù địch (Bài 3): Những thành tựu to lớn của đất nước trong ngày hội non sông

Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đập tan tất cả các mưu toan chống phá của các thế lực thù địch (Bài 3): Những thành tựu to lớn của đất nước trong ngày hội non sông
8 ngày trướcBài gốc
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thành tựu phát triển toàn diện
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025), Việt Nam từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá vô cùng nặng nề, đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, từng bước giành những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới, nhất là những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) bình quân giai đoạn 1990-2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2006-2010 đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000). Sang đến giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm.
Năm 2020 và 2021 đại dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương 2,9% (năm 2020) và 2,58% (năm 2021) - đây là một thành công lớn trong bối cảnh đại dịch. Trong 3 năm gần đây, với nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, khôi phục kinh tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. GDP năm 2022 tăng đến 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt trên 5%; năm 2024 đạt 7,09% - là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã trở thành một quốc gia thu nhập trung bình với quy mô GDP đạt hơn 476 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2024 là 4.700 USD; xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 34 trên thế giới. Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 684 tỷ USD, Việt Nam sẽ vượt qua Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và lớn thứ 31 trên thế giới. Theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, Việt Nam sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đi đôi với phát triển kinh tế là phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nói cách khác những thành tựu phát triển kinh tế đều đã đến được với mọi người dân với tinh thần “không để ai lại phía sau”. Sự thay da, đổi thịt của đất nước hôm nay thấy rất rõ từ miền núi xa xôi đến thành thị, từ hạ tầng giao thông đến các loại hình dịch vụ giải trí… Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số thuê bao điện thoại di động và lượng người sử dụng Internet cũng như các thiết bị thông minh như smatphone…
Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 một cơ quan của Liên hợp quốc công bố tháng 3 vừa qua cho thấy, Việt Nam đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí 54 của năm 2024, vị trí 65 của năm 2023 và chỉ đứng sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á. Đây là thứ hạng tốt nhất của Việt Nam kể từ khi báo cáo được công bố lần đầu vào năm 2012. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có chỉ số cao về phát triển con người, tăng trưởng liên tục qua các năm.
Thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao
Cùng với nỗ lực tự lực, tự cường, chủ động chiến lược để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, chúng ta cũng rất coi trọng hội nhập quốc tế, phát triển quan hệ đối ngoại rộng theo chính sách đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Với chính sách đối ngoại linh hoạt, hiệu quả, dựa trên nội lực kinh tế vững chắc, Việt Nam tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn trên bản đồ quốc tế. Việc mở rộng quan hệ song phương, tham gia tích cực vào các khuôn khổ đa phương giúp Việt Nam ngày nay nổi lên như một trong những quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo và chủ động hơn. Những năm qua, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.
Việt Nam đồng thời đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ta có nhu cầu và lợi ích. Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với nhiều quốc gia, qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Việt Nam đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang tính chiến lược, ổn định và lâu dài.
Cùng với ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước, các hoạt động đối ngoại về quốc phòng - an ninh đã thực sự hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Ngoại giao đã cùng các lực lượng duy trì đường biên giới hòa bình, ổn định, biển đảo, an ninh quốc gia, đạt nhiều tiến triển quan trọng trong đàm phán với các nước, xử lý hài hòa các vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982…
Có thể khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó cho chúng ta niềm tin vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn minh của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”. Trong đó, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước ngày càng cường thịnh.
Hoàng Tuấn - Trần Thế Cường
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tinh-than-yeu-nuoc-long-tu-ton-dan-toc-dap-tan-tat-ca-cac-muu-toan-chong-pha-cua-cac-the-luc-thu-dich-bai-3-nhung-thanh-tuu-to-lon-cua-dat-nuoc-trong-ngay-hoi-non-song-post608480.antd