Tình thế Ukraine sẽ thay đổi ra sao trong năm 2025?

Tình thế Ukraine sẽ thay đổi ra sao trong năm 2025?
4 giờ trướcBài gốc
Nhìn lại cuộc chiến năm 2024
Năm 2024 chứng kiến chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, mở màn bằng các cuộc không kích của Nga vào Kharkov để đáp trả vụ tấn công vào Belgorod. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ tăng cường tấn công, báo hiệu một năm đầy khốc liệt.
Tháng 1, Ukraine nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây với gói viện trợ 50 tỷ euro từ EU và tên lửa ATACMS từ Mỹ, tạo động lực lớn cho Kiev nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một trung gian hòa giải khi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan thúc đẩy các cuộc đàm phán riêng với Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sự căng thẳng tại Zaporizhzhia – nơi đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – khiến nguy cơ thảm họa hạt nhân trở nên hiện hữu, làm giảm hiệu quả các nỗ lực hòa bình.
Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Ảnh: Getty
Về chính trị, Nga có bước chuyển lớn khi Tổng thống Putin tái đắc cử và lần đầu tiên Điện Kremlin gọi cuộc xung đột là “chiến tranh”. Những nỗ lực hòa giải tiếp tục thất bại khi Nga không tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6. Cùng thời điểm, NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine với máy bay F-16, làm phức tạp thêm cục diện chiến trường.
Cuối năm, xung đột leo thang sau vụ ám sát Tướng Igor Kirillov của Nga, dẫn đến các đợt không kích trả đũa dữ dội từ Moskva vào Kiev. Cuộc chiến tiêu hao kéo dài mà không bên nào giành được lợi thế rõ ràng, khép lại một năm đầy bất ổn và đặt nền móng cho những thử thách lớn trong năm 2025.
Bầu cử 2025: Ông Zelensky đối mặt nguy cơ bị lật đổ
Lệnh ngừng bắn tiềm năng tại Ukraine không chỉ mở ra cơ hội hòa bình mà còn đặt chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky trước hàng loạt thách thức trong nước. Việc chấm dứt thiết quân luật đồng nghĩa với việc khôi phục các cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào năm 2025, bao gồm cả bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Đây được xem là những phép thử không hề dễ dàng với ông Zelensky.
Tình hình kinh tế khó khăn kéo dài và những áp lực từ việc huy động lực lượng đã làm suy giảm sự ủng hộ đối với Tổng thống. Lực lượng đối lập, nhận thấy cơ hội, đang tập trung vào chiến lược tấn công trực tiếp vào thành tích lãnh đạo của ông. Điều này không chỉ tạo áp lực cho chính quyền mà còn hạn chế khả năng đưa ra các quyết định mang tính đột phá, vốn có thể không nhận được sự đồng tình từ dư luận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Một nhân vật đáng chú ý trong bối cảnh này là cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Valerii Zaluzhnyi. Dù hiện tại ông Zaluzhnyi chưa bày tỏ ý định tranh cử, khả năng ông tham gia cuộc đua tổng thống vẫn là ẩn số đáng được quan tâm.
Bên cạnh đó, kịch bản Nga đặt điều kiện ông Zelensky không tái tranh cử như một phần của thỏa thuận hòa bình cũng không thể loại trừ. Thêm vào đó, việc liệu ông Zelensky có nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và chiến lược chính trị của ông.
Sự đảm bảo an ninh từ Mỹ và các đồng minh vẫn là yếu tố quyết định với ông Zelensky, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với các thách thức lớn cả trong nước lẫn quốc tế.
Ukraine có thể duy trì sức kháng cự trong bao lâu?
Năm 2024, tình hình chiến trường trở nên nghiêm trọng hơn với Ukraine khi việc huy động lực lượng vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân sự, vốn đã làm suy yếu khả năng phòng thủ. Sự thay đổi quyền lực tại Nhà Trắng càng làm tăng thêm bất ổn, khi viện trợ quân sự từ Mỹ không còn là điều chắc chắn, trong khi châu Âu gặp khó khăn trong việc bù đắp khoảng trống này.
Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nhân lực, điều mà Kiev có thể khắc phục một phần nhưng phải trả giá lớn về chính trị. Thêm vào đó, viện trợ từ phương Tây, mặc dù giữ vai trò thiết yếu trong việc hạn chế tổn thất của Ukraine, lại thường đến muộn, với quy mô nhỏ và không đáp ứng kịp thời các nhu cầu chiến trường.
Vũ khí của phương Tây chờ chuyển đến Ukraine. Ảnh: Getty
Để thay đổi cục diện, Ukraine cần mức hỗ trợ lớn hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, khả năng các đồng minh của Ukraine đáp ứng yêu cầu này vẫn còn bỏ ngỏ. Một phương án thay thế là triển khai quân đội châu Âu trên bộ, hiện chưa khả thi về mặt chính trị nhưng có thể trở thành lựa chọn được cân nhắc vào năm 2025.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể duy trì sức kháng cự trong bao lâu. Trận chiến Pokrovsk sắp tới được coi là phép thử quan trọng. Nếu Ukraine thất bại nhanh chóng trong vòng 2-3 tháng, điều này sẽ báo hiệu sự suy giảm nghiêm trọng về năng lực quân sự, tạo điều kiện để Nga áp đặt các điều kiện đàm phán khắc nghiệt. Ngược lại, nếu Kiev giữ vững thị trấn đến mùa hè, đây sẽ là tín hiệu cho thấy khả năng cầm cự của Ukraine cho đến khi các điều kiện viện trợ thuận lợi hơn xuất hiện.
Tương lai của cuộc chiến vẫn phụ thuộc lớn vào những diễn biến sắp tới trên chiến trường và khả năng phối hợp giữa Ukraine với các đồng minh quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 19/1, ông Mike Waltz, cố vấn an ninh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cho biết chính quyền mới sẽ tập trung chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, với mục tiêu rõ ràng là đưa các bên vào bàn đàm phán. Ông khẳng định, ông Donald Trump quyết tâm kết thúc cuộc chiến và đang cân nhắc các phương án để thúc đẩy tiến trình này.
Đặc phái viên Keith Kellogg nhấn mạnh mục tiêu chấm dứt chiến sự trong 100 ngày, đồng thời đề xuất Mỹ duy trì viện trợ quân sự nhưng gắn với điều kiện Ukraine tham gia đàm phán hòa bình. Kế hoạch cũng kêu gọi NATO hoãn việc Ukraine gia nhập để thuyết phục Nga đối thoại.
Ông Trump hy vọng các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1.
Lê Minh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tinh-the-ukraine-se-thay-doi-ra-sao-trong-nam-2025-370411.html