Thời điểm phù hợp
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được -Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín thì đây là thời điểm phù hợp để Nhà nước áp dụng phương án tính thuế 20% lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản. Đây là bước đi hợp lý để đảm bảo công bằng, minh bạch và ngăn chặn đầu cơ.
Phương án thu thuế trên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản này trước đây đã được áp dụng, tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng không áp dụng nữa do điều kiện kinh tế, xã hội lúc bấy giờ chưa phù hợp, việc kiểm soát thị trường chưa tốt. Còn bây giờ, TP.HCM đã có bảng giá đất khá tiệm cận thị trường, việc không dùng tiền mặt được áp dụng phổ biến, các cơ quan chức năng như: Sở Tài nguyên và môi trường, phòng công chứng và các cơ quan liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn để kiểm soát giá đầu vào.
Bảng giá đất ở TP.HCM khá tiệm cận thị trường, có nơi giá đất tăng lên gấp 10-20 lần
Tuy nhiên, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, trong một số trường hợp không xác định được giá vốn, chi phí hình thành bất động sản, nhất là các trường hợp di sản thừa kế thì phải có quy định hướng dẫn rõ ràng cách áp dụng như thế nào.
“Với trường hợp này, không tính được chi phí thì luật phải mở ra con đường cho người chịu thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp này sẽ được áp dụng thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng để người nộp thuế không bị thiệt hại, chứ nếu không chứng minh được giá vốn thì sẽ nộp 100% thuế. Trước đây cũng áp dụng giải pháp này và bây giờ cũng vậy, tuy nhiên nên bổ sung kĩ hơn các trường hợp nào được áp dụng thuế 2% để tránh lạm dụng quy định này”.
Liệu có khả thi?
Ông Lê Hữu Nghĩa -Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Lê Thành cho rằng, trước đây cơ quan thuế đã áp dụng cách tính thuế trên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản 25%. Tuy nhiên, việc này đã phải dừng lại vì khó khăn cho người nộp thuế. Lúc đó, nhiều hồ sơ bất động sản bị ách tắc, có hồ sơ kéo dài hàng tháng mà cơ quan thuế chưa tính được thuế.
Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, hiện nay bảng giá đất đã khá sát thị trường, nên có thể áp dụng cách tính thuế thu nhập 2% trên giá trị chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời mức thuế này nên giảm xuống còn 1%, do giá đất hiện nay tăng gấp nhiều lần trước đây, thậm chí có khu vực giá tăng lên gấp 10-20 lần. Vì vậy, số tiền người dân nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản cũng tăng rất cao, tương ứng theo mức tăng này. Khi thuế này giảm xuống 1% sẽ khuyến khích người mua, bán ghi đúng giá trị thực để có cơ sở dữ liệu đầu vào chính xác.
Nếu áp dụng cách tính thuế trên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản thì rất khó khăn, phức tạp, vì trước đây rất ít người còn lưu giữ hóa đơn, chứng từ giao dịch mua, bán và tạo lập bất động sản. Chưa kể trên thực tế, rất nhiều trường hợp mua bán ghi 2 giá. Ông Nghĩa ví dụ: căn nhà hoặc mảnh đất được bán với giá 20 tỷ đồng nhưng ghi chỉ 3 tỷ. Nếu bây giờ bất động sản đó bán 30 tỷ đồng, lấy giá bán trừ 3 tỷ để tính thuế trên lợi nhuận này thì liệu có hợp lý?
Ông Nghĩa kiến nghị: “Tôi nghĩ cho người dân tự chọn đóng thuế 20% trên lợi nhuận hay 1% trên khung giá bất động sản. Nếu người dân có đầu vào thì có cái để tính cho đầu ra lợi nhuận. Người dân thấy cái nào có lợi thì họ được quyền lựa chọn, chứ không nên ép người dân chọn. Hiện nay, khung giá đất rất cao tăng mấy mươi lần nên tôi đề nghị thuế thu nhập này giảm từ 2% xuống còn 1% cho phù hợp hơn”.
Người dân băn khoăn, nếu áp thuế cách tính 20% trên lợi nhuận chuyển nhượng thì chi phí liên quan đến việc tạo lập bất động sản này tính như thế nào cho hợp lý?
Còn chị Nguyễn Thị Lài nhà ở TP Thủ Đức thì băn khoăn, nếu áp thuế cách tính 20% trên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản thì chi phí liên quan đến việc tạo lập bất động sản này tính như thế nào cho hợp lý? Thực tế, chị cũng như nhiều người khác, khi mua không phải ai có đủ tiền trả 100% mà phải vay mượn từ nhiều nguồn, chứ không phải chỉ có vay ngân hàng. Trước đây, khi mua đất ở đường Nguyễn Xiển, Quận 9 (cũ), hơn 60% chị phải vay, mượn tiền, vàng của cha mẹ hai bên và người thân. Bây giờ nếu bán mảnh đất này thì chi phí, trượt giá được tính như thế nào?
“Nếu áp thuế tính 20% trên lợi nhuận như thế nào, từ nguồn tiền nào, nếu tiền đó trừ lạm phát mình đã có lời hay chưa? Thời điểm mua miếng đất, vàng chỉ có giá 40 triệu đồng/lượng, giờ vàng 120 triệu đồng/ lượng? Em bán ra giá này trừ trượt giá so với giá vàng hiện nay thì em có lời hay không, đó là chưa tính chi phí vay mượn nữa, vậy cách tính thuế 20% như vậy hợp lý hay không?” - chị Lài lo lắng.
Việc Bộ Tài chính đề xuất tính thuế 20% trên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản thời điểm hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Dù cách tính thuế này là tích cực, hướng tới đảm bảo công bằng và minh bạch nhưng với thực tế giao dịch bất động sản ở nước ta, thời gian qua tồn tại tình trạng giao dịch 2 giá và chưa kiểm soát chặt chẽ việc này. Đồng thời, việc tạo lập giá trị bất động sản từ nhiều nguồn tiền khác nhau khiến người nộp thuế khó chứng minh được nguồn tiền liên quan đến chi phí để xác định lợi nhuận. Đây là những vấn đề mà cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo, sát thực tế để có những quy định thu thuế hợp lý và hiệu quả hơn.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM