Góp ý cho đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được Bộ Tài chính gửi Chính phủ, hàng loạt bộ ngành, địa phương cùng kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… và UBND các tỉnh Thái Nguyên, Khánh Hòa, Phú Yên, Trà Vinh, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (tổng hợp ý kiến từ bạn đọc)… đều cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và với mỗi người phụ thuộc, để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống của người dân hiện nay.
Hàng loạt bộ ngành đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa: KT)
Cụ thể, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Lý do, mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng, đến tháng 12/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 16 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc lên 6 triệu đồng/tháng.Trong khi đó, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt lên mức 14 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng.
Để đảm bảo về tính ổn định trong việc tính thuế và dự báo về thực hiện thu ngân sách nhà nước, hai địa phương nêu trên đề nghị luật quy định tăng mức giảm trừ cụ thể đối với đối tượng nộp thuế và đối với nỗi người phụ thuộc, không nên xác định theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, rất bất cập trong quản lý theo dõi.
Trong các bộ, ngành, địa phương góp ý, UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra đề nghị nâng mức giảm trừ cao nhất. Cụ thể, đối với người nộp thuế mức giảm trừ gia cảnh nâng lên 18 triệu đồng/tháng (216 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.
Địa phương này lập luận, theo khoản 4 điều 1 luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng và được áp dụng từ ngày 1/7/2013. Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng. Đến nay, mức lương cơ sở đã tăng 2,03 lần (từ 1,15 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng), do đó, đề nghị điều chỉnh tăng mức giảm trừ phù hợp với tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở.
Còn theo UBND tỉnh Bắc Giang, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành tiếp cận theo hướng cào bằng, không phân biệt vùng, miền. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp bởi pháp luật hiện hành có quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh lại không xem xét đến mức thu nhập ở các vùng, miền là khác nhau.
Ngoài ra, giá cả hàng hóa ngày càng tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng, do đó, mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc hiện không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, tổng thể quy định về giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn theo từng vùng, miền trong cả nước.
Ngoài đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh so với hiện nay để phù hợp với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng để phù hợp với chính sách tiền lương của Chính phủ hiện nay đang quy định mức lương tối thiểu vùng (4 vùng).
Trả lời những đề nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đặt vấn đề này. Đó là nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, nhằm đảm bảo phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây, góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác như chi phí y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất khi luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Diệp Diệp/VOV.VN