Tính toán hướng tuyến Dự án Cầu Cát Lái

Tính toán hướng tuyến Dự án Cầu Cát Lái
7 giờ trướcBài gốc
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP đã đề xuất 3 phương án hướng tuyến mới cho Dự án Xây dựng cầu thay phà Cát Lái phía bờ huyện Nhơn Trạch. Ảnh:P.Tùng
Cầu Cát Lái là một trong những dự án cầu đường bộ quan trọng kết nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, xây dựng.
Chồng lấn quy hoạch với di tích lịch sử và các khu dân cư
Dự án Cầu Cát Lái được đánh giá là một trong những dự án giao thông cấp thiết để giải quyết tình trạng quá tải của phà Cát Lái hiện nay. Đồng thời, khi dự án hoàn thành cũng sẽ hình thành nên tuyến giao thông kết nối liên vùng giữa Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực. Cùng với đó, tạo thêm kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành qua đường tỉnh 25C.
Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai.
Trong báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến Dự án Cầu Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch, TEDI cũng đề xuất phương án đầu tư phân kỳ, trong đó, quy mô giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 100m theo quy hoạch và xây dựng trước 2 đường song hành hai bên.
Đến tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
UBND tỉnh sau đó đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thực hiện tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Mới đây, TEDI đã có báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến Dự án Cầu Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch. Trong báo cáo, đơn vị tư vấn đã nêu ra các vướng mắc khi triển khai dự án theo hướng tuyến đã được phê duyệt phù hợp các quy hoạch.
Theo phương án hướng tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017, Dự án Cầu Cát Lái có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy phía Thành phố Hồ Chí Minh, đi dọc theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng về đường tỉnh 25B phía tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, khi thực hiện cập nhật các quy hoạch đô thị dọc tuyến, các khu di tích lịch sử quốc gia trong phạm vi dự án trên địa bàn tỉnh đã phát sinh một số vướng mắc.
Cụ thể, trong số 5 quy hoạch các khu dân cư dọc tuyến, thì có 2 khu dân cư Tân Phú Hữu và Nhà vườn Sen Việt có sự chồng lấn quy hoạch với chỉ giới xây dựng tuyến đường nối từ cầu Cát Lái đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cùng với đó, đoạn tuyến của dự án qua khu vực ngã ba Giồng Sắn thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông thì khu vực bảo vệ di tích Địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn và một số công trình tôn giáo trong khu vực này cũng nằm trong chỉ giới xây dựng của tuyến đường nối cầu Cát Lái với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đề xuất các phương án hướng tuyến mới
Trên cơ sở đánh giá các vướng mắc ảnh hưởng đến hướng tuyến dự án, TEDI đã đề xuất 3 phương án hướng tuyến mới cho Dự án Cầu Cát Lái đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh.
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP đã đề xuất 3 phương án hướng tuyến mới cho Dự án Xây dựng cầu thay phà Cát Lái phía bờ huyện Nhơn Trạch. Ảnh:P.Tùng
Theo phương án của TEDI, Dự án Cầu Cát Lái có tổng chiều dài tuyến hơn 11,3km, điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) khoảng 400m; điểm cuối dự án sẽ kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khoảng Km33+500.
Về hướng tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án gồm: phương án 1.1 - tuyến điều chỉnh đi về phía Đông của tuyến quy hoạch; phương án 1.2 - tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch và phương án 1.3 - tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch theo hướng tuyến mới.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, với phương án 1.1, hướng tuyến dự án tránh được khu vực I là khu vực bất khả xâm phạm bảo vệ di tích Địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn và tránh được các công trình tôn giáo trong khu vực ngã ba Giồng Sắn.
Với phương án 1.2, hướng tuyến dự án cũng sẽ tránh được các khu vực nói trên theo phương án 1.1 và đây là phương án có hướng tuyến tốt hơn.
Trong khi đó, với phương án 1.3, hướng tuyến dự án tránh hoàn toàn được khu vực I là khu vực bất khả xâm phạm bảo vệ Di tích Địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn và khu vực II (vùng đệm). Đồng thời, đây cũng là phương án có hướng tuyến tốt nhất theo đánh giá của đơn vị tư vấn.
Trước những phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, mới đây, tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các đơn vị liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát kỹ, đánh giá cụ thể phương án hướng tuyến theo các đề xuất. Từ đó, tổng hợp phương án tốt nhất, các đơn vị nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư dự án.
Phạm Tùng
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/tinh-toan-huong-tuyen-du-an-cau-cat-lai-7986cad/