Tình trạng sạt lở bờ sông ở Quảng Trị đe dọa đời sống dân sinh

Tình trạng sạt lở bờ sông ở Quảng Trị đe dọa đời sống dân sinh
13 giờ trướcBài gốc
Sạt lở tạo thành những hàm ếch tại khu vực bờ sông Gianh, đoạn chảy qua thôn Xuân Hạ (xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Tại bờ sông Gianh, đoạn chảy qua thôn Xuân Hạ (xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị), tình trạng sạt lở ngày càng thêm nghiêm trọng khiến người dân lo lắng. Tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ lấn dần vào đất sản xuất, mà chỉ còn cách nhiều khu dân cư đang sống khoảng 40 - 50 m. Trung bình mỗi năm, việc sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 3 - 5 m, nhiều đoạn sạt lở tạo thành hàm ếch rất lớn, nhiều diện tích cây cối, hoa màu cũng đã bị cuốn trôi.
Ông Nguyễn Đức Thuấn (thôn Xuân Hạ, xã Tuyên Hóa) cho biết, đây được xem là vùng rốn lũ nên mùa mưa bão nước sông Gianh dòng chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Năm nay, sau cơn bão số 1, tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi. Người dân thôn Xuân Hạ rất mong muốn chính quyền các cấp sớm xem xét xây dựng bờ kè để được yên tâm sinh sống, sản xuất canh tác nông nghiệp.
Một điểm sạt lở tại bờ sông Gianh, đoạn chảy qua thôn Xuân Hạ (xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Cùng chung sự lo lắng, ông Nguyễn Lượng (thôn Xuân Hạ, xã Tuyên Hóa) chia sẻ, hiện có khoảng gần 50 hộ dân tại thôn Xuân Hạ bị ảnh hưởng từ sạt lở. Nguyên nhân của tình trạng sạt lở này cùng với bão lũ hàng năm, việc khai thác cát trái phép cũng diễn ra nhiều năm nay và khiến dòng chảy thay đổi. Chính quyền các cấp cũng cần phải có các biện pháp mạnh để ngăn chặn khai thác cát trái phép, từ đó hạn chế phần nào tình trạng sạt lở bờ sông.
Ông Nguyễn Vũ Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện trên địa bàn xã dọc sông Gianh có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Thời gian tới, UBND xã Tuyên Hóa sẽ thành lập các tổ để kiểm tra thực tế, đề ra các giải pháp khắc phục tạm thời và lâu dài. Đối với những điểm sạt lở lớn, xã sẽ tập hợp lại đề xuất với các sở, ban ngành bố trí các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng để ổn định đời sống cho người dân địa phương.
Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh đoạn chảy qua thôn Xuân Hạ (xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sau mỗi mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của người dân cũng như các đơn vị và các chủ phương tiện khai thác. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị khai thác ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản và đồng thời sẽ thành lập đoàn liên ngành của xã để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị (mới) tình trạng sạt lở bờ sông, suối diễn ra rất nghiêm trọng. Riêng, tỉnh Quảng Bình (cũ) có có 85 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài khoảng 43,36 km, ảnh hưởng đến 3217 hộ dân và 12.612 nhân khẩu; tỉnh Quảng Trị (cũ) có khoảng 133,42 km chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục, xử lý, ảnh hưởng trên 4.500 hộ dân.
Sạt lở bờ sông Gianh, đoạn chảy qua thôn Xuân Hạ (xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) "nuốt" đất sản xuất của người dân.
Ông Hà Xuân Đàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm qua, nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên việc bố trí khắc phục sạt lở còn hạn chế, chỉ xử lý mang tính tạm thời trước mắt, việc xử lý sạt lở chủ yếu lồng ghép vào nguồn lực của Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn lực Trung ương hỗ trợ không đủ đáp ứng được nhu cầu, chưa thể nghiên cứu các giải pháp khắc phục mang tính tổng thể, bền vững và lâu dài.
Bên cạnh đó, vùng trọng điểm sạt lở thường gắn với khu vực đông dân cư, để khắc phục sạt lở cần gắn với việc di dời dân và tái định cư. Do đó, phải cần một nguồn lực rất lớn để triển khai đồng bộ, điều này là một vấn đề rất khó khăn khi cân đối nguồn ngân sách tỉnh.
Theo ông Hà Xuân Đàn, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch và huy động các nguồn vốn trung ương hỗ trợ và nguồn ngân sách của địa phương để tập trung khắc phục sạt lở bờ sông, sạt lở biển; trong đó ưu tiên các điểm sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đời sống của người dân và đất sản xuất nông nghiệp.
Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/cong-dong/tinh-trang-sat-lo-bo-song-o-quang-tri-de-doa-doi-song-dan-sinh-20250717082306135.htm