Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, đấy là kịch bản cho tương lai bởi hiện tại chưa thể biết liệu rồi đây sẽ có được giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh này hay không, không ai biết giải pháp sẽ như thế nào và bao giờ mới có được giải pháp ấy.
Mới đây, Mỹ và Nga đã gây dựng được bước tiến rất quan trọng trong mối quan hệ song phương khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, nhất trí sẽ gặp nhau, hai nước cũng đã tiến hành cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên kể từ 3 năm nay.
Kết quả cuộc gặp này làm hài lòng cả hai bên, vì thế khiến EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine quan ngại thêm sâu sắc về Mỹ và ông D.Trump. Theo đó, Ukraine lo ngại về khả năng rất dễ trở thành hiện thực là Mỹ và Nga thỏa hiệp với nhau về giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine trên đầu EU, NATO và Ukraine, tức là loại trừ mọi sự can dự của EU, NATO và Ukraine vào tiến trình đàm phán về giải pháp cũng như chấp nhận một số điều kiện của Nga.
EU buộc phải chuẩn bị ứng phó kịch bản tồi tệ nhất ấy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth còn tuyên bố, Mỹ sẽ không đưa binh lính đến Ukraine để tham chiến cũng như để gìn giữ hòa bình sau khi có được giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Người này quả quyết, châu Âu phải tự lo liệu việc bảo đảm an ninh cho châu lục và cho Ukraine cũng như phải tự xử lý quan hệ của châu Âu với Nga ở thời hậu chiến. Bối cảnh và viễn cảnh tình hình như thế buộc EU phải bàn thảo đến việc thành lập lực lượng quốc tế triển khai ở Ukraine để gìn giữ hòa bình tại nơi đây.
Ở hội nghị cấp cao khẩn cấp của một số thành viên châu Âu của EU và NATO tổ chức tại Paris (Pháp) theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc thành lập lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình ở Ukraine được đưa lên hàng đầu trên chương trình nghị sự.
Mỹ khẳng định không tham gia lực lượng này, càng không cam kết bảo đảm an ninh cho thành viên của lực lượng ấy trong trường hợp bị bên nào đó tấn công khi triển khai ở Ukraine. Nhưng Mỹ không ngăn cản việc thành lập lực lượng như vậy, thậm chí lại còn hoan nghênh Trung Quốc tham gia. Cho tới nay mới chỉ có Pháp và Anh tuyên bố sẵn sàng đưa quân đội đến Ukraine. Thụy Điển và Hà Lan tỏ ra xuôi thuận trong khi Đức và Ba Lan tuyên bố không tham gia.
Xem ra, châu Âu toan tính không những chỉ xa mà còn quá xa. Hiện vẫn còn quá sớm trên thực tế để bàn thôi chứ không nói đến thành lập lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Trong trường hợp việc thành lập lực lượng này được quy định trong giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine thì nhiệm vụ của lực lượng này là giám sát việc thực thi mọi nội dung của giải pháp và ngăn ngừa Ukraine và Nga lại giao tranh quân sự với nhau. Như thế có nghĩa là mọi khía cạnh liên quan đến việc thành lập, thành phần, nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình này phải được tất cả các bên liên quan chấp thuận, tức là phải được cả Nga đồng ý. Các nước châu Âu toan tính xa nhưng trên thực tế lại là "cầm đèn chạy trước ô tô", đưa ra những ý tưởng mà khi hiện thực hóa lại lệ thuộc vào các bên khác. Châu Âu toan tính xa là chuyện không khó hiểu, nhưng mưu xa quá lại hóa dễ sa vào luẩn quẩn.
Đại sứ Trần Đức Mậu