Từ trái sang: Nhà văn Vũ Thảo Ngọc và các nhà thơ Phan Hoàng, Nguyễn Thị Mến, Đào Quốc Vịnh trước tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô. Ảnh: CTV
Bất ngờ Cô Tô
Hai tiếng Cô Tô từ lâu đã nằm trong tâm thức người Việt. Vùng đảo miền biên cương Đông Bắc của Tổ quốc lại gắn liền với danh nhân - thi sĩ Nguyễn Công Trứ thời khẩn hoang lập làng, xác lập chủ quyền và các thế hệ tiền nhân giữ gìn bờ cõi.
Điều đó càng thôi thúc tôi ước một lần được đặt chân đến Cô Tô, nay là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ước mơ sau nhiều năm đã trở thành hiện thực khi lần đầu tôi cùng nhà thơ Đào Quốc Vịnh được nhà văn Vũ Thảo Ngọc hướng dẫn từ cảng Vân Đồn vượt biển tới Cô Tô hồi tháng 4/2024.
Từng nhiều lần đi Trường Sa và một số đảo khơi của Tổ quốc, nên biển đảo trong tôi luôn khơi dậy những xúc cảm khó tả. Lần này đến Cô Tô cũng vậy. Vùng đảo hải phận Đông Bắc hiện lên ngoài sức tưởng tượng. Thiên nhiên tươi đẹp. Biển vẫn xanh trong và núi rừng vẫn còn những nét hoang sơ.
Nhiều công trình xây dựng bề thế đã mọc lên, nhất là ở thị trấn Cô Tô trung tâm huyện đảo. Con đường rợp bóng cây rừng xuyên hòn đảo lớn nhất thật quyến rũ. Và người dân ở đảo trông thật rắn rỏi, hiền lành, thân thiện.
Đặc biệt, nhờ nhà văn Vũ Thảo Ngọc mà chúng tôi được gặp gỡ trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mến, một phụ nữ trẻ vui tính, một cán bộ văn hóa năng động, nhiệt tình hướng dẫn và thuyết minh cho khách đi tham quan khắp đảo. Thú vị hơn khi đọc thơ Nguyễn Thị Mến, tôi càng bất ngờ về một cây bút hiếm hoi đam mê sáng tạo và giàu cảm xúc từ biển đảo Cô Tô.
“Anh hỏi em tự bao giờ yêu biển
Em làm sao biết được tự bao giờ
Chỉ biết rằng biển đã hóa thành thơ
Biển trong em là giấc mơ có thật…”
(Tự bao giờ)
Bìa tập thơ
Biển và em
của Nguyễn Thị Mến.
Ảnh: CTV
Yêu biển đến hóa thành thơ thì rõ ràng biển đã là máu, là nguồn cảm hứng bất tận, hay nói cách khác biển đã hòa trong cơ thể, tâm thức Nguyễn Thị Mến. Một tình yêu tự nhiên và chân thành. Một tình yêu dào dạt và vô tận. Một tình yêu như sinh ra chỉ để yêu “ngay cả lúc bão dông” muôn trùng vây bủa:
“Tự bao giờ lòng em bối rối
Yêu biển nhiều ngay cả lúc bão dông
Biển mênh mông em chỉ là hạt cát
Gánh một miền sóng cả giữa trùng khơi”
(Tự bao giờ)
Cái bão dông bình thường của sóng, sóng biển và sóng lòng. Người thơ biết vượt lên dông bão để “Gánh một miền sóng cả giữa trùng khơi” thì không còn bình thường nữa. Một nghị lực, một tâm hồn khác thường, tận hiến.
Người thơ viết từ lòng biển
Và biển không chỉ có biển. Biển như một vũ trụ thu nhỏ. Biển dung chứa một đời sống muôn hình vạn trạng. Chỉ có những người sống chết với biển mới có được một cảm xúc kỳ lạ, cất được tiếng lòng khác biệt và nhận ra sự kỳ diệu của trùng dương:
“Sóng đuổi theo mặt trời
Rồi lạc mình trong gió
Sóng cồn cào giận dỗi
Nên vô tình bão dông”
(Nỗi niềm của sóng)
Những thi ảnh đẹp. Và biển không chỉ là biển, mà qua tâm thức hiện sinh của nhà thơ Nguyễn Thị Mến, biển còn như một phần của đời sống con người với bao mối quan hệ nghĩa tình để cùng tồn tại và nâng niu:
“Biển cũng giống mình thôi,
có tình yêu lứa đôi
có tình thân, tình bạn,
những tình cảm vô hạn
cần cho một đời người...”
(Biển cũng giống như anh)
Chính vì biển như người nên biển có những nỗi ưu tư thổn thức, mà cũng có thể nhà thơ mượn biển để nói hộ cho ai đó hoặc cả chính nỗi lòng riêng mình:
“Anh biết chăng nỗi lòng biển đêm nay
Dẫu biển bao la vẫn đầy trăn trở
Mặn ân tình giữa hai miền thương nhớ
Dẫu bụi thời gian lặng lẽ xóa mờ”
(Hoài vọng)
Từ tiếng vọng hoài nhớ thương đến tiếng gọi thiết tha sum họp, tình biển sâu lắng và bao dung như tấm lòng của con người giàu trải nghiệm sống trước bộn bề lẫn trống vắng tha nhân:
“Anh biết không biển muôn thuở dạt dào
Và tình biển dành cho anh sâu lắng
Nếu một ngày thấy lòng mình trống vắng
Anh hãy về bên biển nghe anh”
(Về với biển nghe anh)
Đã từng có nhiều thơ hay viết về biển của các nhà thơ đi trước như Xuân Diệu, Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh, Như Bình, Đoàn Văn Mật... nhưng với Nguyễn Thị Mến có khác. Không phải từ xa đến viết về biển mà từ lòng biển chị trăn trở viết ra. Biển như người thơ mà người thơ cũng là biển. Nhờ đó Nguyễn Thị Mến có cách nhìn khi dịu dàng khi góc cạnh đến thảng thốt:
“Biển bao la vẫn có lúc êm đềm
Lòng chật hẹp sao quá nhiều dông bão”
(Sóng lòng)
Hai câu thơ thuộc loại hay nhất của thơ Việt, đầy chiêm nghiệm, minh triết về biển lẫn cuộc sống con người!
Ngoài một số bài thơ viết về những không gian văn hóa khác, đề tài chủ đạo trong tập Biển và em của Nguyễn Thị Mến là viết về biển. Hình tượng biển khi ẩn khi hiện như cái xương sống xuyên suốt tạo dựng nên tập thơ của người phụ nữ trẻ đáng quý. Mặc dù còn những ngây ngô, thô mộc chưa hoàn thiện nhưng thơ Nguyễn Thị Mến là tiếng lòng, tiếng biển vọng từ Cô Tô da diết và chân thành, mang vẻ đẹp riêng, sự quyến rũ riêng.
Bởi đối với Nguyễn Thị Mến, đắm đuối và vượt lên khỏi chữ nghĩa chính là cái tình của biển, cái tình với biển và thông qua biển chị muốn gửi những thông điệp tin yêu, an vui đến thế gian này. Một thế gian còn nhiều bừa bộn, phức tạp lẫn bất trắc mà khi cần thì chính biển như người mẹ, người tình bao dung để chúng ta, trong đó có nhà thơ Nguyễn Thị Mến được trở về trong vòng tay yêu thương:
“Em trở về biển dang rộng vòng tay
Bao dông tố trong lòng em tan biến
Em nhỏ bé trước bao la tình biển
Yêu mãi muôn đời… yêu biển, biển ơi!”
(Biển và em)
Theo thời gian mọi thứ có thể bị xô dạt trước những con sóng tràn bờ hay bão dông cuộc đời nhưng những giá trị văn hóa đích thực, trong đó có thi ca, sẽ còn lại trong tâm hồn con người. Và tôi tin tình thơ tình biển của Nguyễn Thị Mến sẽ đọng mãi với Cô Tô. Đọc những bài thơ giàu cảm xúc của chị lại thôi thúc chúng tôi muốn trở về với biển đảo miền biên cương thân thương!
PHAN HOÀNG