Tình yêu dưới bóng Phật-đà

Tình yêu dưới bóng Phật-đà
16 giờ trướcBài gốc
Lần đầu gia đình và bạn thân được dự Lễ hằng thuận
Đó là một trong những điều Kiều Tiên cảm thấy hạnh phúc nhất trong ngày vui của mình. Kiều Tiên cho biết: “Từ những năm trước, khi chưa có quen anh xã, trong những lần làm công tác hậu cần phụ các chùa tổ chức Lễ hằng thuận cho các đôi trẻ, mình ao ước sau này lấy chồng cũng sẽ có buổi lễ như vậy, để gia đình và bạn bè cùng tham gia. Được đứng trước Đức Phật, chư tôn đức, người thân, vợ chồng phát nguyện yêu thương nhau, hướng đến điều thiện, đó là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa”.
Như tâm nguyện đó, khi Kiều Tiên và Dũng Hưng được sự cho phép của gia đình, đi đến đời sống hôn nhân, hai bạn đã tổ chức Lễ hằng thuận tại chùa. Lễ hằng thuận diễn ra trước ngày cưới chính thức một tháng, và trong Lễ hằng thuận này, hai bạn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, bạn bè hiện diện.
Đón nhận phần quà ý nghĩa từ quý thầy
“Lễ hằng thuận diễn ra theo truyền thống, chư tôn đức đã giảng cho vợ chồng mình nghe về ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới, dặn dò thật kỹ về đạo lý làm chồng, làm dâu và làm con. Hơn 120 người tham dự, cùng chứng kiến hai vợ chồng phát nguyện và dùng bữa chay thanh tịnh. Nhiều người thân và bạn thân của hai vợ chồng đã ồ lên vì Lễ hằng thuận ở chùa dễ thương đến thế”, Kiều Tiên cho biết.
Trước khi mình trở thành nhân vật chính trong Lễ hằng thuận, đôi bạn trẻ Kiều Tiên và Dũng Hưng có hơn 10 lần phụ thầy tổ chức Lễ hằng thuận cho các đôi trẻ diễn ra tại chùa. Nhưng đến lễ của mình, dù biết trước các nghi lễ sẽ diễn ra như thế nào nhưng hai bạn không kiềm được cảm xúc. “Khi nghe quý Thầy giảng, ngày hôm nay là ngày hạnh phúc của hai con nhưng có người hạnh phúc hơn hai con, đó là cha mẹ. Trong giây phút hành lễ lau tay chân cho mẹ, nhìn bàn tay mẹ thô ráp, cả hai vợ chồng đều khóc vì tay mẹ không như hồi trẻ nữa. Bình thường con cũng quan tâm mẹ nhưng không nhìn kỹ. Khoảnh khắc đó, người thân và bạn bè của mình chứng kiến cũng khóc, vì xúc động”, Kiều Tiên cho biết thêm.
Sau Lễ hằng thuận này, nhiều đôi bạn trẻ tham gia Lễ hằng thuận của Tiên và Hưng đã liên lạc, để xin được hướng dẫn cách đăng ký tổ chức Lễ hằng thuận tại chùa. Đó cũng là cách mà vợ chồng Tiên, Hưng lan tỏa Lễ hằng thuận của Phật giáo đến với giới trẻ yêu mến đạo Phật.
Khoảnh khắc dâng trà cho mẹ trong Lễ hằng thuận của đôi bạn trẻ
Hạnh phúc hôn nhân được xây trên giáo lý
Đó là điều Dũng Hưng và Kiều Tiên tâm đắc nhất khi trở thành người Phật tử. Hưng và Tiên là bạn học cùng lớp, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong lần họp lớp, Tiên đã rủ Hưng cùng tham gia chương trình từ thiện, công quả phụ nhà chùa tổ chức khóa tu, lên kế hoạch thiết kế chương trình và trang trí cho các buổi pháp thoại.
Tiên và Hưng đi trên tinh thần phụng sự, tìm lợi lạc cho mình và góp một tay để đem lợi ích cho các bạn tham gia khóa tu. “Khoảng thời gian làm công quả, hoặc phụ nhà chùa tổ chức ‘khóa tu mùa hè’, ‘khóa tu mùa Vu lan’, nhìn thấy các bạn nhỏ có thêm thời gian để sống ý nghĩa, rời xa game, rời xa ti-vi, nhiều phụ huynh bày tỏ hạnh phúc, tình nguyện viên chúng em cũng vui vì việc làm ý nghĩa này”, Dũng Hưng và Kiều Tiên cho biết.
Bức tranh “Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương” được quý thầy tặng là thông điệp mà vợ chồng trẻ tâm đắc, khắc ghi
Với người Phật tử, tình yêu không chỉ dừng lại ở sự lãng mạn mà còn mở rộng đến lòng từ bi và sự thấu hiểu. Ngoài tham gia công quả, vào ngày cuối tuần Hưng và Tiên đều tham gia học lớp giáo lý. Trước khi đến với đời sống hôn nhân, hai bạn đã tham gia lớp giáo lý tiền hôn nhân, chủ đề “Chuẩn bị gì trước khi kết hôn”. Quan điểm về hôn nhân của hai bạn, không phải tờ giấy đăng ký kết hôn quyết định tất cả, mà trên hết là cách sống, là tinh thần xây dựng mái ấm dựa trên tình thương yêu, sự kiên nhẫn và hiểu nhau.
Lễ hằng thuận, thầy tặng cho vợ chồng bạn bức tranh “Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương”. Đó cũng là thông điệp mà vợ chồng bạn tâm đắc, khắc ghi. Cưới nhau, cuộc sống hôn nhân có nhiều bận rộn hơn nhưng trên tinh thần phát nguyện của người Phật tử, Tiên và Hưng vẫn dành thời gian cho hoạt động từ thiện, chở nhau đi làm công quả và mỗi tối đều cùng nhau có thời kinh ở nhà.
“Hành trang trong cuộc hôn nhân của chúng mình là giáo lý Đức Phật qua lời dạy của quý thầy và tình thương của mẹ gửi gắm: ‘Con hạnh phúc là mẹ hạnh phúc’. Có lần hai đứa giận nhau, mình chặn hết tài khoản của chồng, mẹ chồng đã điện thoại và giảng hòa cho hai đứa. Mình và chồng thương hai mẹ đồng nhau, càng hiểu giáo lý, càng thương đấng sinh thành nhiều hơn”, Kiều Tiên nói.
Lễ hằng thuận là một nghi lễ quan trọng trong văn hóa Phật giáo, được tổ chức tại nhà chùa dành cho các cặp đôi khi kết hôn. Từ “hằng” có nghĩa là luôn luôn, “thuận” có nghĩa là suôn sẻ, hòa thuận. Tên gọi của lễ này thể hiện mong ước về một cuộc sống hôn nhân bền vững, hài hòa và hạnh phúc.
Đây không chỉ là một dịp để cặp đôi chính thức trở thành vợ chồng mà còn là cơ hội để họ nhận được lời chúc phúc từ các vị Tăng Ni, gia đình và bạn bè. Lễ hằng thuận giúp cặp đôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tình yêu, trách nhiệm và sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân.
Tường Vi/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/tinh-yeu-duoi-bong-phat-da-post74192.html