Tờ báo Nhựa sống - tinh thần kháng chiến của học sinh Thủ đô

Tờ báo Nhựa sống - tinh thần kháng chiến của học sinh Thủ đô
một ngày trướcBài gốc
Ông Dương Tự Minh cùng hiện vật tờ báo Nhựa sống. Ảnh: Khánh Huy
Trong thời kỳ Thủ đô Hà Nội bị tạm chiếm, có một tờ báo được thực hiện bởi thế hệ học sinh – sinh viên kháng chiến tại Hà Nội mang tên Nhựa sống. Báo Nhựa sống được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có nhà riêng của ông Dương Tự Minh ở số 98A phố Hàng Bông, nhà ông Nguyễn Kim Khiêm ở số 77 phố Phủ Doãn, nhà ông Đỗ Quang Trung ở 54 Triệu Việt Vương, ngoài ra còn có các cơ sở khác ở Bích Câu, Cao Bá Quát và Lò Đúc.
Thời gian trôi qua theo năm tháng, thế hệ học sinh kháng chiến nói chung và những người chịu trách nhiệm chính sản xuất tờ báo Nhựa sống dần càng ít đi. Đến nay, ông Dương Tự Minh vẫn còn ở lại ngôi nhà số 98A Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Căn nhà nhỏ nằm trên gác hai của một ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội đã từng là một trong những địa điểm in tờ báo Nhựa sống, tờ báo hoạt động bí mật nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong thế hệ học sinh – sinh viên, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, nuôi dưỡng và hun đúc lý tưởng cách mạng trong thế hệ trẻ.
Sống giữa lòng địch, viết bằng trái tim cách mạng
Gặp ông Dương Tự Minh tại nhà riêng ở số 98A Hàng Bông, tuy tuổi đã cao nhưng ông Minh vẫn còn rất minh mẫn và vẫn nhớ như in những năm tháng rực lửa, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Theo lời ông Minh, vào tháng 1/1950, sự kiện học sinh Trần Văn Ơn bị thực dân Pháp sát hại trong một cuộc biểu tình tại Sài Gòn đã dấy lên làn sóng phản kháng mạnh mẽ trong giới học sinh, sinh viên Hà Nội. Hàng loạt cuộc bãi khóa, rải truyền đơn, tổ chức lễ truy điệu đã được phát động, thể hiện khí phách bất khuất của tuổi trẻ Thủ đô.
Ông Dương Tự Minh trong ngôi nhà tại số 98A Hàng Bông, nơi từng là một trong những địa điểm in báo Nhựa sống.
Những hiện vật tờ báo Nhựa sống in trong sách ảnh kỷ yếu hội học sinh kháng chiến Thủ đô. Theo lời ông Minh, tờ báo Nhựa sống ra được vài chục số và được lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp học sinh - sinh viên Thủ đô.
Ông Dương Tự Minh kể: “Thời ấy, hoạt động của học sinh kháng chiến Hà Nội phát triển khá mạnh với nhiều hình thức: mít tinh, diễu hành, biểu tình, bãi khóa, treo cờ, in ấn xuất bản phẩm, rải truyền đơn lên án tội ác của thực dân Pháp, chống bắt đi lính... Để chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến các hoạt động đó cho thanh niên một cách bí mật không có con đường nào tốt hơn là xuất bản tờ báo. Và tờ báo mang tên Nhựa sống đã ra đời, phát hành tới nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội như: Chu Văn An, Trưng Vương, Albert Sarraut...
Nhận thấy tinh thần đấu tranh đang lên cao, Quận ủy nội thành Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô thành lập một cơ quan ngôn luận bí mật – tờ Nhựa sống. Với sứ mệnh tuyên truyền, hiệu triệu học sinh tham gia kháng chiến, Nhựa sống là minh chứng cho trí tuệ, lòng quả cảm và tổ chức kỷ luật chặt chẽ của phong trào thanh niên đô thị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tờ báo ban đầu được viết tay, in thạch với mực tím nhạt, sau chuyển sang in ronéo trên giấy trắng, bọc bìa ngụy trang như những cuốn vở học sinh – dễ cất giấu, khó bị phát hiện.
Tổ chức xuất bản Nhựa sống là một chuỗi hoạt động bí mật và tinh vi. Ông Lê Văn Ba, khi ấy mới chỉ là học sinh nhỏ tuổi – được giao nhiệm vụ đánh máy, in ấn, phát hành báo. Ông Dương Linh chịu trách nhiệm nội dung của tờ báo. Ông Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư... hoạt động dưới sự chỉ đạo của cán bộ Thành ủy Lê Tám , sau là Bí thư Thành Đoàn đầu tiên của Hà Nội.
Căn nhà số 77 Phủ Doãn trước đây là nhà ông Nguyễn Kim Khiêm, là cơ sở chính của hoạt động in báo Nhựa sống.
Căn nhà tại số 54 Triệu Việt Vương của hai học sinh kháng chiến Đỗ Tràng Trọng và Đỗ Quang Trung cũng là một trong những cơ sở in báo Nhựa sống.
Căn phòng kho ở phần gác lửng căn nhà số 98A Hàng Bông, nơi ông Dương Tự Minh cất giấu đồ để in báo Nhựa sống những số đầu tiên, lưu truyền trong học sinh trường Chu Văn An.
“Ngày ấy, chúng tôi truyền báo theo hình thức rất thủ công đó là bỏ vào ngăn bàn, để trong cặp, ngụy trang dưới các quyển vở của học sinh, sách dạy mỹ thuật, âm nhạc. Tất nhiên là lúc đấy nếu bị bắt, bị mở ra thì không thể chối đâu được. Nhưng đó là cách mà đội ngũ sản xuất lựa chọn. Vừa truyền báo, chúng tôi vừa quan sát, nếu họ đọc và mang về nhà thì tức là họ có cảm tình với Cách mạng, đó là nhân tố chúng tôi lưu ý và kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc, hội học sinh kháng chiến” – Ông Dương Tự Minh nói.
Cơ sở in ấn liên tục thay đổi để tránh mật thám từ nhà số 98A Hàng Bông của gia đình ông Dương Tự Minh, nhà 77 Phủ Doãn của ông Nguyễn Kim Khiêm, nhà số 54 Triệu Việt Vương của ông Đỗ Quang Trung, đến các địa chỉ ở Bích Câu, Lò Đúc, Cao Bá Quát. Có gia đình đặt máy in trong nhà tắm, khi cần thì mở vòi nước để át tiếng máy đánh chữ.
Quy trình biên tập, dàn trang diễn ra thủ công nhưng đầy sáng tạo. "Tin nọ nối tiếp bài kia, thiếu thì lấp vào bằng ca dao, thơ tự sáng tác, vẽ tranh biếm họa... làm sao để mỗi số báo đều cuốn hút, sống động" - ông Dương Tự Minh nhớ lại.
Tờ báo bí mật nhưng tầm ảnh hưởng sâu rộng
Nhựa sống tuy in giới hạn 300–400 bản mỗi kỳ, nhưng sức lan tỏa thì rộng lớn. Học sinh các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Albert Sarraut… háo hức truyền tay nhau đọc báo. Cách phát hành cũng đầy “nghệ thuật”: giấu trong cặp, lén bỏ vào ngăn bàn bạn học, hoặc trao tận tay những người có cảm tình với cách mạng.
Nội dung báo không chỉ kêu gọi chống đi lính cho Pháp, mà còn phong phú về hình thức: có phóng sự, tùy bút, thơ ca, tranh châm biếm, bài viết về kỷ niệm lịch sử, đả kích lối sống lệch lạc, ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồi trụy. Đặc biệt, Nhựa sống trở thành cầu nối giữa các chi đoàn học sinh với tổ chức kháng chiến, tạo nên một mạng lưới đoàn thể ngầm nhưng bền bỉ, hiệu quả.
Trường Chu Văn An là một trong những cơ sở mà hội học sinh kháng chiến hoạt động sôi nổi nhất, cũng là nơi ra đời của những số đầu tiên báo Nhựa sống. Ảnh: Vân Lê
Hoạt động cách mạng luôn tiềm ẩn hiểm nguy. Tháng 10/1952, cơ sở in báo tại nhà ông Minh bị lộ, ông Lê Văn Ba bị bắt khi quay lại lấy máy chữ. Tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Lê Văn Ba bị tra tấn, giam giữ. Chiếc máy chữ hôm đó là một hiện vật quý giá giờ đây được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhiều người làm báo Nhựa sống đã bị địch bắt giam: Lê Tám, Dương Linh, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần, Đỗ Hồng Phấn… Nhưng phong trào không bị dập tắt. Nhóm này bị bắt thì nhóm khác thay thế, tiếp tục in báo, phát hành, giữ dòng chảy của “nhựa sống” cách mạng luôn tuôn chảy giữa lòng địch.
Ông Dương Tự Minh kể: “Anh Lê Tám là người chịu cảnh tra tấn tàn ác nhất nhưng tuyệt nhiên không hề nói một chữ nào về Cách mạng với thực dân Pháp. Chúng tôi không chỉ viết báo mà còn biểu diễn ca kịch, tên tác phẩm phải viết lệch đi để qua mặt địch: Trường ca sông Lô thành Trường ca sông Ô, giặc Pháp gọi là giặc ác… Học sinh vừa là phóng viên, vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ” – ông Dương Tự Minh nói thêm.
Từ một tờ báo nhỏ bé, Nhựa sống đã trở thành cái tên đầy ý nghĩa đúng như tinh thần học sinh Hà Nội những năm đầu thập niên 1950. Tờ báo không chỉ là tiếng nói của một thế hệ, mà còn là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử đầy cam go nhưng oanh liệt. Sau này, tờ Nhựa sống chính là tiền thân của báo Tiền phong – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Gieo hạt giống đỏ cho tương lai
Tờ Nhựa sống đã để lại di sản báo chí sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh Hà Nội bị địch tạm chiếm, giữa khói lửa chiến tranh, tờ báo nhỏ ấy đã thắp sáng tinh thần yêu nước, khơi dậy lý tưởng cách mạng, gắn kết tuổi trẻ Thủ đô. Như một “cây bút” âm thầm nhưng bén nhọn, Nhựa sống không chỉ viết nên những trang báo mà còn viết nên số phận của những con người, viết nên lịch sử của tuổi trẻ Hà Nội.
Hiện vật còn lại báo Nhựa sống số ra ngày 15/11/1952, sau khi đội ngũ tổ chức thực hiện báo Nhựa sống bị bắt.
Hiện vật chiếc máy đánh chữ của ông Lê Văn Ba hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
“Những năm tháng ấy, dưới lá cờ dân tộc, Cách mạng Việt Nam đã quy tập được mọi tầng lớp, giai cấp. Những việc làm của thực dân Pháp với Nhân dân nói chung, đàn áp các phong trào học sinh – sinh viên nói riêng càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn dân tộc. Việc thể hiện quan điểm chống Pháp không thể cứ đứng lên mà hô hào được. Việc truyền dạy lý tưởng Cách mạng trong thế hệ học sinh, sinh viên cũng gặp nhiều khó khăn, chính vì thế mà báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá và giác ngộ Cách mạng với thế hệ trẻ ngày ấy. Tuy chỉ là một tờ báo hoạt động bí mật nhưng Nhựa sống không chỉ gói gọn trong trường Chu Văn An mà còn lan ra nhiều trường khác” – ông Dương Tự Minh kể.
Và hôm nay, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam… Nhựa sống vẫn đang tiếp tục lan tỏa giá trị của mình như một biểu tượng bất tử của lòng yêu nước, của sức trẻ dấn thân cho cách mạng, của một thời làm báo không vì danh tiếng, mà vì lý tưởng. Hơn 70 năm đã trôi qua, tờ báo học sinh ấy vẫn là minh chứng sống động cho sức mạnh của báo chí cách mạng bắt đầu từ những điều giản dị nhất: niềm tin, lòng dũng cảm và tinh thần phụng sự Tổ quốc.
Khánh Huy
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-bao-nhua-song-tinh-than-khang-chien-cua-hoc-sinh-thu-do-416037.html