Sự linh hoạt sẽ giúp bạn nhìn ra cơ hội để chạm tới thành công. Ảnh minh họa: F.P.
Thất bại không đáng sợ, mà đáng sợ là không dám nhìn thẳng vào thất bại, không dám đối diện với thất bại. Chúng ta đi từ thất bại đến thành công không phải bằng lòng kiên trì, mà là bằng việc thay đổi suy nghĩ, ứng biến linh hoạt.
Có một câu chuyện về hai thanh niên Giáp và Ất. Họ đến nơi khác mua một số mặt hàng địa phương để mang về bán và kiếm lời. Hai người xuất phát cùng nhau, đến cùng một địa điểm và cũng dùng toàn bộ tiền vốn của mình mua một số lượng hàng vải gai, bởi vì ở quê họ đây là mặt hàng có giá trị nhất.
Trên đường về, họ đi qua thành phố A chủ yếu sản xuất da lông nhưng lại đang thiếu vải gai. Giáp liền bán hết số vải gai của mình, lấy tiền mua da lông có giá trị cao hơn, sau đó vẫn còn dư một ít tiền mặt. Còn Ất cho rằng nhu cầu da lông ở quê mình không lớn nên quyết định không bán vải gai.
Tiếp sau đó, hai người đi qua thành phố B sản xuất nhiều dược liệu nhưng lại rất thiếu da lông và vải gai. Giáp đổi da lông thành dược liệu mà ở quê đang có nhu cầu còn lớn hơn cả vải gai, còn Ất vẫn giữ nguyên suy nghĩ của mình. Hai người lại tiếp tục đi, qua thành phố C sản xuất vàng nhưng thiếu dược liệu và vải gai. Giáp đổi luôn toàn bộ dược liệu mình có thành vàng, còn Ất vẫn kiên trì mang vải gai về quê.
Cuối cùng cũng về đến quê, vải gai mà Ất vất vả mang về chỉ kiếm được một chút lãi nhỏ, không bù nổi chi phí đi đường, càng không thể bằng số vàng Giáp đổi được ở thành phố C.
Rất nhiều câu nói khích lệ đều mang hàm ý kiên trì chắc chắn sẽ mang lại kết quả nhưng không chỉ rõ kết quả này là tốt hay xấu. Có những doanh nhân nhiệt tình, hăng hái “trải đường” cho người đến sau, bày tỏ rằng “lập nghiệp không có đúng sai, chỉ cần kiên trì là chắc chắn thành công”. Nhưng lại không nói rõ thành công đó có tương xứng với kiên trì, cố gắng đã bỏ ra hay không.
Chúng ta có lý do để tin rằng kiên trì giữ lấy sai lầm thật ra là hèn nhát không dám thừa nhận thất bại. Thứ hủy hoại thành công của một người cần cù, chăm chỉ là tự tin thái quá.
Những theo đuổi không ngừng nghỉ kia, cho dù lúc nào cũng có nguy cơ bị vượt, nhưng nếu quay lại nhìn nhận thật kỹ, thì sẽ thấy đó là sự cổ vũ và thúc giục rất lớn. Cảm giác bị dồn đuổi cũng chính là nguồn cơn như đổ thêm dầu vào lửa, đẩy những người đứng đầu vào nơi đầu sóng ngọn gió và vươn lên.
Từ xưa đến nay, thứ giúp con người thay đổi vận mệnh luôn là cố gắng một cách linh hoạt. Quẩn quanh với việc lựa chọn con đường nào ngắn hơn không bằng học cách thay đổi suy nghĩ trong lúc đang mịt mù. Mục tiêu ở kia, bạn không chuyển động, nó cũng không chuyển động, vậy thì cần gì phải lo lắng về việc đến đó bằng hình thức nào?
Vương Nam/ Bách Việt Books & NXB Công thương