Bố trí không gian phù hợp, hài hòa
Những ngày qua, các địa phương trên địa bàn TPHCM đã triển khai lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhận được nhiều ý kiến của cử tri xoay quanh việc mở rộng không gian phát triển, đặt tên phường, xã mới.
Người dân làm hồ sơ, thủ tục hành chính tại UBND phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH
Theo phương án sắp xếp của quận 8, địa phương sẽ chia thành 3 phường, dự kiến lấy tên là phường Chánh Hưng, Bình Đông và Phú Định. Đặc biệt, quận 8 đề xuất điều chỉnh ranh địa giới hành chính với huyện Bình Chánh. Theo Chủ tịch UBND quận 8 Võ Thành Khả, hiện nay phần diện tích từ trục đường Nguyễn Văn Linh về phía quận 8 thuộc xã của huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, ranh mốc của 3 xã này với các phường giáp ranh của quận 8 là không rõ ràng, không theo trục đường giao thông, các tuyến kênh rạch hiện nay đã bị san lấp.
Vì vậy, quận 8 đề xuất điều chỉnh ranh khi sắp xếp các phường theo hướng nhập một phần của các xã thuộc huyện Bình Chánh dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Việc này nhằm giúp người dân thuận lợi trong việc liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời thuận lợi trong công tác quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trước đề xuất của quận 8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được bày tỏ sự đồng tình và lưu ý các địa phương không cứng nhắc trong việc sắp xếp mà có thể vượt qua các ranh hành chính hiện hữu để có phương án sắp xếp tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp cũng như thuận tiện trong quản lý nhà nước, vì mục tiêu phát triển chung của thành phố.
Ủng hộ việc sắp xếp các phường theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, ThS Nguyễn Tuấn Anh (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) cho rằng, về mặt kỹ thuật hành chính, việc sắp xếp không nên đóng khung theo địa giới hiện hữu, mà cần linh hoạt dựa vào thực tế dân cư, tốc độ đô thị hóa và khả năng quản lý. Những nơi phát triển nhanh như TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… nên được xem xét lại toàn bộ ranh giới phường, xã theo hướng mở rộng diện tích quản lý, tinh gọn bộ máy, kết hợp số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính đô thị. Không nên áp dụng máy móc các tiêu chí dân số, diện tích, mà cần hướng tới mô hình “quản trị linh hoạt”, điều chỉnh địa giới phường theo chu kỳ 5-10 năm để kịp thích ứng với biến động dân cư và phát triển hạ tầng.
Xây dựng một bộ tiêu chí đặt tên phường
Trong phương án sắp xếp các phường, một số địa phương đề xuất đặt tên phường là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… TS Nguyễn Đức Quyền, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, việc lựa chọn những tên gọi này cho các phường mới không chỉ mang ý nghĩa về mặt địa lý hành chính mà còn có giá trị tinh thần. Điều này thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, văn hóa và tình cảm của người dân đối với những địa danh đã trở thành một phần máu thịt của thành phố. Tuy nhiên, cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân để tạo sự đồng thuận và gắn kết cộng đồng với tên gọi mới của phường khi những câu chuyện, những ký ức sống động, có khả năng khơi gợi niềm tự hào và tình yêu đối với nơi mình sinh sống.
TS Nguyễn Đức Quyền đề xuất nên chọn phương án kết hợp hài hòa giữa yếu tố hành chính và yếu tố văn hóa, lịch sử, nên ưu tiên những tên gọi mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, địa lý của từng khu vực. Điều này giúp bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, tạo sự gắn kết và niềm tự hào cho người dân. Bên cạnh đó, với việc đặt tên phường ở các địa danh trung tâm thành phố hoặc các địa bàn giàu truyền thống cách mạng là một cơ hội đặc biệt để vừa tôn vinh lịch sử, vừa khơi dậy niềm tự hào và giáo dục các thế hệ mai sau. Việc lựa chọn tên phường ở những khu vực này cần tiếp cận một cách trang trọng, sâu sắc và giàu tính biểu tượng. Theo chuyên gia, trung tâm thành phố thường là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, kinh tế, chính trị và lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Việc đặt tên phường ở những khu vực này cần phản ánh được vị thế, vai trò và bản sắc đặc trưng của địa phương.
Cùng quan điểm, ThS Nguyễn Tuấn Anh đề xuất cần xây dựng một bộ tiêu chí đặt tên phường vừa bảo đảm yếu tố truyền thống, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại. Những tiêu chí này nên bao gồm: tính lịch sử - văn hóa; tính đại diện địa lý - cộng đồng; tính phân biệt rõ ràng với các đơn vị hành chính khác; tính dễ nhớ - dễ gọi; và phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. Chuyên gia đề xuất có thể nghiên cứu hình thành “ngân hàng tên gọi đô thị”, tập hợp những tên gọi có giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc địa phương để sử dụng linh hoạt trong từng giai đoạn phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 39, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) ngày 15-4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, việc sắp xếp phải đảm bảo các tiêu chí Trung ương quy định, không máy móc, không cơ học, không đặt nặng vấn đề tỷ lệ và sắp xếp cơ học theo không gian đơn vị hành chính cũ.
Việc sắp xếp phải tính toán, bố trí lại không gian phù hợp, hài hòa, bảo đảm gần dân, sát dân, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Đặc biệt, tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân, phải nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG