Thông bạch Thông điệp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 của Đại lão Hòa thượng Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Thiện Pháp - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, “Lá lành đùm lá rách”… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Đoàn kết là di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam. Là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù, giành mọi thắng lợi lập nhiều thành tích vẻ vang, rang rỡ trong suốt chiều dài lịch sử.
Thông bạch diễn văn Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang cho biết: Chủ đề của Vesak 2025 là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” là thông điệp cấp thiết hơn bao giờ hết, mang một ý nghĩa đầy nhân văn, sâu sắc và đầy tính thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn thế giới. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 8/5/2025.
Nghi thức tắm Phật tại Đại lễ kính mừng Phật đản Vesak 2025, Phật lịch 2569 và khánh thành chùa Phú Lâm tại Tuyên Quang.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, Trụ trì chùa Phú Lâm: Ngày 4/10/2020, được sự gia hộ của Chư Phật và sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh Tuyên Quang, chùa Phú Lâm đã được động thổ khởi công xây dựng trên diện tích gần 30.000 m2 thuộc phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Chùa Phú Lâm không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và còn là nơi giữ gìn và phát huy giá trị di tích, phục vụ đời sống văn hóa và tâm linh Phật giáo của nhân dân địa phương.
Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, sau nhiều năm nghiên cứu và lên kế hoạch, công trình xây dựng, phục dựng chùa Phú Lâm được triển khai theo đúng tinh thần bảo tồn giá trị lịch sử truyền thống nhưng vẫn phù hợp với hiện đại. Các hạng mục chính được xây dựng bao gồm Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Quan Âm, Liên Hoa Đài Chùa Một Cột, Thiền Đường, Vườn Tháp, nhà bia, nhà giảng pháp cùng hệ thống cảnh quan xung quanh. Công trình được thực hiện theo phong cách kiến trúc truyền thống của Phật giáo miền Bắc, vừa uy nghiêm, vừa hài hòa với thiên nhiên.
Chùa Phú Lâm được phục dựng phản ánh chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước. “Từ một phế tích bị lãng quên, chùa đã được công nhận là di tích khảo cổ học cấp tỉnh vào năm 2016, và tiếp tục được phục dựng theo quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang vào năm 2017”, Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay.
Chùa Phú Lâm không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là không gian tín ngưỡng dân gian của người Việt. Công trình thờ tự tại chùa bao gồm hệ thống Tam Bảo (thờ Phật), Nhà Tổ (thờ các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm), Nhà Mẫu (thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu). Điều này thể hiện sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một đặc điểm nổi bật trong văn hóa tâm linh của người Việt. Những nét chạm khắc trên gỗ, hoành phi, câu đối và mái ngói đầu đao cong vút đều mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống của ngôi chùa Việt.
Ngoài giá trị tôn giáo, chùa Phú Lâm còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Với không gian thanh tịnh, cảnh quan thiên nhiên xanh mát và kiến trúc hài hòa, chùa là nơi thích hợp để du khách đến tham quan, chiêm bái và tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chùa Phú Lâm sẽ làm cho TP Tuyên Quang ngày thêm đẹp đẽ, thu hút nhiều khách tham quan đến với Xứ Tuyên, góp phần phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, nghỉ dưỡng suối khoáng, phát triển kinh tế của địa phương.
Không gian chùa còn là nơi giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Những khóa tu mùa hè, các buổi giảng pháp, thiền tập được tổ chức thường xuyên nhằm giúp thanh thiếu niên rèn luyện tâm tính, học cách sống, biết yêu thương và sẻ chia. Qua đó, chùa không chỉ đóng vai trò là trung tâm tôn giáo mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục và xây dựng nhân cách lối sống con người Việt Nam theo tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo.
Chư Tôn đức thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Chùa Phú Lâm.
Ngày nay, chùa Phú Lâm không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách và Phật tử từ khắp nơi. Sự khôi phục ngôi chùa đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Phật giáo Việt Nam, đồng thời phản ánh tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Viết Tôn/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/to-chuc-dai-le-phat-dan-vesak-phat-lich-2569-va-khanh-thanh-chua-phu-lam-tai-tuyen-quang-20250427105809623.htm