Cá thể gấu này được phát hiện bởi người dân địa phương và được báo cáo tới các cơ quan chức năng Lào Cai. Theo quy định của pháp luật, cá thể gấu ngựa – một loài động vật hoang dã quý hiếm – được coi là tang vật vi phạm. Sau khi được Chi cục Kiểm lâm chuyển tới Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để giám định, kết quả xác nhận đây là loài gấu ngựa, giới tính đực.
Chủ nuôi khai nhận được cho cá thể gấu này từ một người quen vào khoảng năm 2016 - 2017 và nuôi nhằm mục đích làm cảnh. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho gấu, ngay trong đêm 20-12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Công an huyện Bảo Thắng và Tổ chức Động vật châu Á đã đưa cá thể gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Gấu ngựa bị nuôi không phép tại Bảo Thắng, Lào Cai. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam
Tại đây, gấu được các bác sĩ và nhân viên chăm sóc, khám sức khỏe lâm sàng và đưa vào chăm sóc trong chế độ cách ly 30 ngày. Các chuyên gia cho biết gấu tương đối gầy, nặng 83kg, răng kém nhưng linh hoạt. Gấu sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện, đồng thời bắt đầu quá trình phục hồi trong môi trường nuôi dưỡng chuẩn quốc tế.
11 giờ đêm 20-12, gấu về tới Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam
Gấu được khám sức khỏe lâm sàng và chuyển vào chăm sóc chế độ cách ly trong 30 ngày để đảm bảo an toàn dịch bệnh và sức khỏe. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam
Đây là cá thể gấu thứ 14 mà Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ được trong năm 2024, hiện gần 200 gấu ngựa và gấu chó đang được chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế trong hai Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam mà Tổ chức vận hành và tài trợ tại Vườn quốc gia Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc và vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa thiên Huế.
Tổ chức Động vật châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007 và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 282 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 190 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo và 8 cá thể gấu được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại VQG Bạch Mã, Huế. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
TRƯỜNG AN