Năm 2024, lễ hội Halloween sẽ được tổ chức vào ngày thứ Năm 31-10. Những ngày qua, mạng xã hội tranh cãi nhiều về việc nên hay không nên tổ chức lễ hội Halloween với những hình nộm xương người, phù thủy, bí ngô mặt mặt quỷ, hóa trang, vẽ mặt nạ ma quỷ… trong trường học.
Tổ chức Halloween: Nên hay không nên?
Tài khoản FB Hưng Phan bình luận: "Việt Nam có rất nhiều lễ hội có thể tổ chức tốt nhằm khơi dậy lòng yêu nước, yêu văn hóa, lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra, khi tổ chức bất kỳ hoạt động nào, ban tổ chức cũng nên đánh giá cái được và mất; đặc biệt nhấn mạnh đến cái được về tính văn hóa, giáo dục..., để từ đó có sự chọn lọc".
Tài khoản FB Nhã Ý bình luận: "Nhiều trẻ nhỏ bị ám ảnh về những mặt nạ ma quái. Kể cả những nước Tây phương cũng không tổ chức trong trường học nhé".
Khác với những ý kiến trên, tài khoản FB Nguyễn Thành bình luận: "Phụ huynh muốn thì cho con mình tham gia, không muốn thì cho con mình ở nhà. Tôi không ủng hộ cũng không phản đối vì tôi biết chắc 1 điều là nhà trường sẽ không bắt buộc học sinh tham gia hoạt động này. Xã hội tự có đánh giá và đào thải. Cái gì hay sẽ được giữ lại, cái gì không phù hợp nó sẽ bị mai một dần thôi”.
Tài khoản FB Quý Nguyễn nêu quan điểm: “Vui chơi cho con trẻ có kỷ niệm đẹp. Nhiều hoạt động đơn giản, tiết kiệm mà vẫn vui có thể làm như cắt giấy làm nón phù thủy, làm đèn bí ngô, làm gậy phép thuật, làm chổi bay... rồi mua miếng bánh miếng nước ăn là vui rồi. Tuy nhiên, mong các trường học tổ chức nhẹ nhàng hơn, có thể trang trí với những hình ảnh dễ thương như quả bí ngô hay nhân vật hoạt hình”.
Nhiều trẻ ám ảnh, nhiều trẻ thích thú sau khi tham gia lễ hội Halloween. Ảnh: AI
Cần hiểu kỹ những ý nghĩa thông điệp của từng lễ hội
Trao đổi với PV, ThS Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến nhận định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa văn hóa, việc tiếp nhận văn hóa thế giới là xu thế tất yếu và mang lại nhiều giá trị kết nối đa dạng.
Giúp con người không còn sợ hãi cái chết
Trong lễ hội Halloween, các hoạt động như đốt lửa, khắc bí ngô, hóa trang thành những nhân vật kỳ quái, tham dự các bữa tiệc được trang trí bí ẩn, ma mị,… là phương thức, hình thức thể hiện để truyền tải nội dung thông điệp giúp con người không còn sợ hãi cái chết, chứ không nhằm mục đích hù dọa, nhát ma người tham dự.
ThS TRẦN XUÂN TIẾN
Tuy vậy, để phát huy những khía cạnh tích cực, giảm thiểu những xung đột văn hóa, những hệ lụy tiêu cực là điều mà chúng ta phải luôn nhận thức đầy đủ trong quá trình thực hành văn hóa, tiếp biến văn hóa.
Halloween là lễ hội văn hóa có nguồn gốc từ Kitô giáo, lễ Halloween được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị thánh, các vị tử đạo cùng tín hữu trung kiên đã qua đời. Do không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa này nên nhiều trường học trong quá trình tổ chức lễ Halloween đã vô tình “biến” một hoạt động tôn giáo trang nghiêm thành một sự kiện hóa trang kệch cỡm, vui chơi có phần quá đà, thiên về việc tạo cảm giác rùng rợn, kinh dị, ma quái, dẫn đến tình trạng gây ám ảnh sợ hãi cho học sinh khi tham gia.
Đây chính là nguồn cơn tạo ra làn sóng phản đối tổ chức lễ Halloween tại trường học của nhiều phụ huynh. Không phản đối sao được khi con em tham gia không học được tinh thần hội nhập văn hóa, không hiểu được thông điệp tín ngưỡng của lễ hội, không thấy được những nét khác biệt văn hóa Đông Tây trong sự đa dạng, mà chỉ toàn là những lo sợ tiêu cực về tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến việc học tập, và đời sống sinh hoạt.
Vậy nên, khi tiếp biến văn hóa nước ngoài, nhất là tổ chức cho đối tượng trẻ nhỏ, chúng ta cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ những ý nghĩa thông điệp của từng lễ hội, tín ngưỡng, tránh kiểu bắt chước hình thức, sẽ phản tác dụng, tạo ra những hệ lụy không đáng có.
TRẦN MINH