Tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

Tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
3 giờ trướcBài gốc
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tại tỉnh Sóc Trăng, dự tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh có các đồng chí: Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Chí Công - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HẢI HÀ
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”. Chuyên đề gồm có 5 nhóm nội dung chủ yếu gồm: khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15, ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức thực hiện.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Chuyên đề gồm có 3 phần: Một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW; những mặt được, những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị, bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW đối với Quốc hội, Chính phủ.
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
HẢI HÀ
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/202505/to-chuc-hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-66-nqtw-va-nghi-quyet-so-68-nqtw-cua-bo-chinh-tri-b89243c/