Tổ chức lại hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát sau khi chấm dứt hoạt động của Công an huyện

Tổ chức lại hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát sau khi chấm dứt hoạt động của Công an huyện
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Phát biểu tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, một số vấn đề xung quanh triển khai chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với khối lượng công việc rất lớn mà chúng ta vẫn nói là “cuộc cách mạng”.
Theo ông Hưng, Nghị quyết 18 được đề ra từ năm 2017, toàn bộ các mục tiêu, nội dung, lộ trình rất rõ. Trong thời gian ngắn hơn 2 tháng vừa qua, việc triển khai Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên nền tảng tiếp nối, kế thừa những kết quả trước đó. Chúng ta đã thực hiện với những cách làm rất mới, phương pháp triển khai được sự thống nhất rất cao từ Trung ương đến địa phương nên đạt được kết quả như hiện nay.
“Từ những bước đi như vậy đã khẳng định quyết định của Trung ương là rất chính xác, rất đúng và dựa trên những căn cứ khoa học, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn rất đầy đủ”, ông Hưng nói, đồng thời phân tích rằng, bối cảnh thời gian triển khai vừa qua, yêu cầu đặt ra rất cao nên Trung ương cũng đã xác định cần đối diện, xem xét và tiếp tục phối hợp xử lý những khó khăn.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp này là để tiếp tục triển khai các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kết luận của Trung ương. Sau khi thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị, chúng ta phải ban hành đầy đủ các văn bản, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện, để bộ máy mới đi vào hoạt động, bảo đảm tính liên tục, hiệu quả hơn, chất lượng hơn và không gián đoạn công việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Vinh.
Ông Hưng cho hay, khi thảo luận những vấn đề thực tế phát sinh, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nhìn nhận vấn đề, nhưng thời điểm thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy trùng với thời điểm tiến hành chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nên có một số quy định chưa được đồng bộ mà địa phương có phản ánh. Qua trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Hưng cho biết, đây là những kiến nghị có cơ sở nhằm xử lý những vướng mắc phát sinh trên thực tế và đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo với Đảng ủy Chính phủ để ngay trong tuần này có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đồng bộ.
Bên cạnh việc xử lý các vấn đề phát sinh, các địa phương cần lưu ý việc tinh giản và việc làm tốt công tác chính trị tư tưởng, vận động, thuyết phục phải đi kèm với việc có cơ chế chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ, có cống hiến cho sự nghiệp chung.
Về đề xuất bố trí tăng số lượng lãnh đạo ở cấp huyện, ông Hưng khẳng định, trước hết chúng ta phải thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, trong đó có quy định về số lượng cấp ủy, ban thường vụ các cấp. Sau khi tiến hành tinh gọn, các bước sắp xếp bộ máy, Bộ Chính trị đã sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35 và đã lấy ý kiến tất cả các cấp ủy trực thuộc Trung ương, chuẩn bị một bước cho Đại hội Đảng các cấp nên đã có sửa đổi, bổ sung phù hợp và chúng ta phải thực hiện nghiêm.
Cùng với đó, Kết luận 121 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nghiên cứu tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của địa phương.
Ông Hưng cũng cho biết, Hội nghị Trung ương vừa qua không chỉ thông qua cơ cấu tổ chức bộ máy mới mà còn đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất cao. Do đó, về số lượng, hướng dẫn mô hình chung của một số cơ quan không phải đến thời điểm này là đã xong, việc triển khai Nghị quyết 18 mới đang là bước đầu, còn một số nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2025 và trong nhiệm kỳ tới.
Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, chúng ta sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá với những chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật mới quy định vận hành thông suốt chưa, hiệu quả không; tổng rà soát biên chế sau khi sắp xếp từ Trung ương xuống địa phương gắn với chức năng, nhiệm vụ mới của các cơ quan, tổ chức, gắn với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị và đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, gắn với vị trí việc làm để từ đó tiếp tục có những quyết định mới về biên chế. Hay Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu tổ chức bộ máy trong các hội, đoàn rồi các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương.
“Vừa qua, nhiều địa phương có cách làm rất hay là sáp nhập các cơ quan báo, đài và chúng ta vẫn phải tiếp tục làm nhiều việc khác. Tới đây, sau khi hoạt động của Công an huyện được chấm dứt thì hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát ra sao?, việc này sẽ phải báo cáo với cấp có thẩm quyền để tổ chức lại hoạt động của các cơ quan này. Trung ương cũng yêu cầu rà soát bổ sung một loạt các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, ông Hưng nói.
Sau Đại hội Đảng, theo ông Hưng, sẽ tiếp tục tiến hành các bước khác, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, tổ chức lại các đơn vị hành chính, sáp nhập các xã; nghiên cứu tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Trong đó, có những nhiệm vụ đòi hỏi phải sửa các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng thì mới tạo sự đồng thuận trong triển khai, làm sao trong thời gian nhanh nhất hoàn thiện được mô hình tổng thể của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc xây dựng 2 dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, cấp thiết, gắn với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu về hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Theo bà Trà, việc sửa đổi khẩn trương 2 dự án luật kịp thời đảm bảo được yêu cầu đó là nền hành chính của chúng ta hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả và hiệu lực. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu cho cải cách nền hành chính, nhất là trong cuộc cách mạng đang hướng tới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc sửa luật rất cấp bách, thời gian chỉ có hai tháng, đúng với nghĩa “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/to-chuc-lai-hoat-dong-cua-toa-an-vien-kiem-sat-sau-khi-cham-dut-hoat-dong-cua-cong-an-huyen-10299865.html