Thướng Tiêu (hay còn gọi là lễ dựng nêu), là một trong những nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều đình nhà Nguyễn. Ngoài quan niệm tâm linh dân gian, lễ Thướng Tiêu còn có mục đích báo hiệu ngày Tết đã đến. Ảnh: T.T.
Cây nêu là cây tre già, có độ dài khoảng 15m, được vác bởi 10 lính vệ khỏe mạnh trong trang phục chỉnh tề. Trên đầu ngọn cây nêu treo ấn tín với dải lụa đỏ mang ý nghĩa cầu mong bình an, xua đuổi điều xấu và chào đón một năm mới hanh thông, tốt lành.
Sau khi nhà vua dựng cây nêu ở Đại Nội, người dân mới dựng nêu ở nhà mình. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào sáng mồng 7 tháng Giêng. Ảnh: T.T.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết. Ảnh: T.T.
Ngày nay, nghi lễ này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện vào mỗi dịp Tết cổ truyền, theo cách thức mới trên cơ sở nghiên cứu và dàn dựng thích nghi trên chất liệu truyền thống vào sáng 23 tháng Chạp hàng năm. Ảnh: T.T.
Lễ dựng nêu ngày Tết tại Hoàng cung Huế là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô. Ảnh: T.T.
Không chỉ ở Huế, ngày nay tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn duy trì lễ dựng nêu, đây là một nét đẹp trong truyền thống tâm thức của người Việt. Ảnh: T.T.
Nguyễn Quốc