Ngày 7-11, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng tỉnh Khánh Hòa (7-11-1964 - 7-11-2024). Dự lễ có ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Thu Mai - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Diên Khánh qua các thời kỳ, cùng các nhân chứng từng tham gia phong trào Đồng khởi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn phát biểu tại buổi lễ.
Các đại biểu chào cờ tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại khí thế hào hùng, những chiến công, ý nghĩa to lớn và bài học lịch sử quý báu từ phong trào Đồng khởi 1964 - 1965 của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa nói chung, 2 huyện Diên Khánh và Bắc Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) nói riêng.
Cách đây 60 năm, sau khi xem xét phong trào cách mạng của cả tỉnh, so sánh lực lượng giữa ta và địch, theo xu thế chung của toàn miền Nam, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định tiến hành Đồng khởi ở 2 huyện Diên Khánh và Bắc Ninh Hòa, với tư tưởng, phương châm và mục tiêu rõ ràng. Trong đó, phải thực hiện được mục tiêu giải phóng một số vùng ở nông thôn, biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta, bổ sung lực lượng cách mạng, mở rộng địa bàn cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch.
Các vị lãnh đạo tỉnh dự lễ.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh đọc diễn văn kỷ niệm.
Các đại biểu lãnh đạo huyện Diên Khánh dự lễ.
Theo kế hoạch Đồng khởi, Tỉnh ủy chọn 2 xã Ninh An, Ninh Thọ của huyện Bắc Ninh Hòa làm trọng điểm 1 và vùng Tứ thôn Đại Điền (gồm 2 xã Diên Sơn và Diên Điền) của huyện Diên Khánh làm trọng điểm 2 của phong trào Đồng khởi. Vào đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7-11-1964, chiến dịch được mở màn và đúng kế hoạch, lực lượng của ta đồng loạt tấn công địch ở một số điểm tại Diên Khánh và Bắc Ninh Hòa và sau đó ngăn chặn các mũi phản công của địch, nhằm hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Cùng với việc tiêu hao nhiều sinh lực địch, chỉ trong vòng 3 ngày đầu của chiến dịch, các lực lượng vũ trang của ta trên địa bàn Vạn Ninh, Bắc Ninh Hòa đã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy Đồng khởi, giải phóng một vùng rộng lớn, với trên 10.000 dân, nối liền căn cứ Đá Bàn vào sâu vùng địch kiểm soát hàng chục kilômét vuông.
Các nhân chứng từng tham gia phong trào Đồng khởi tham dự buổi lễ.
Ở trọng điểm 2 của đợt Đồng khởi, chiều ngày 7-11-1964, quần chúng nhân dân Diên Khánh được lực lượng vũ trang hỗ trợ, với ý chí tiến công liên tục, ta đã giải phóng toàn bộ vùng Tứ thôn Đại Điền, thành lập chính quyền cách mạng ở 2 xã Diên Sơn, Diên Điền vào tối 8-11-1964. Sau đó, ta giải phóng tiếp xã Diên Lâm vào ngày 10-11-1964...
Tiếp đó, trong tháng 12-1964, ở Bắc Ninh Hòa, quân ta đã giải phóng hoàn toàn 2 xã Ninh An, Ninh Thọ, rộng hàng chục kilômét vuông, tiếp giáp với căn cứ Đá Bàn, với trên 5.000 dân, các “ấp chiến lược” của địch trên địa bàn huyện bị xóa bỏ hoàn toàn. Ở Diên Khánh, nhân dân xã Diên Thọ cũng đã nổi dậy làm chủ, giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền với vùng giải phóng Cẩm Sơn, làm cho quân đội, chính quyền Sài Gòn lo sợ, bỏ trống một mảng lớn từ Phước Lương, Lễ Thạnh (Diên Thọ), An Định, Phước Tuy, Phò Thiện (Diên Phước) đến Suối Tre, Mỹ Lộc (Bình Lộc)... tạo thành một vùng giải phóng liên hoàn ở phía Nam huyện Diên Khánh...
Đại diện các nhân chứng lịch sử phát biểu tại buổi lễ.
Sau 1 năm Đồng khởi, vùng giải phóng của tỉnh đã được mở rộng, bao gồm 46 thôn, với trên 37.500 dân, vùng tranh chấp có 34 thôn, với 32.400 dân. Riêng địa bàn huyện Diên Khánh, từ vùng giải phóng Tứ thôn Đại Điền, ta tiếp tục mở rộng vùng giải phóng ra 7 xã, với hơn 20.000 dân, tạo thế lỏng kèm ở các xã bờ Nam sông Cái, với trên 11.000 dân. Trong các thôn, xã giải phóng đã thành lập chính quyền cách mạng, phát triển du kích, xây dựng làng chiến đấu… Những vùng nông thôn, đồng bằng được giải phóng đã phát huy ảnh hưởng chính trị, làm chỗ dựa cho lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động, góp phần giải quyết một phần các nhu cầu thiết yếu cho căn cứ miền núi và hỗ trợ phong trào ở thị xã, thị trấn. Từ đây, đã có hàng ngàn thanh niên tham gia nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị vũ trang, thành lập ở mỗi huyện một đại đội địa phương. Chính nhờ đó, phong trào cách mạng trong tỉnh đã tạo được thế đứng vững chắc ở khắp 3 vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Vùng nông thôn, đồng bằng giải phóng nối với các huyện miền núi căn cứ cách mạng, tạo thành thế đứng liên hoàn, thế tiến công vững chắc. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào cách mạng của tỉnh trong những chặng đường tiếp theo…
Lãnh đạo Đảng ủy xã Diên Sơn phát biểu tại buổi lễ.
Đại diện tuổi trẻ huyện Diên Khánh phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh: “Thành quả của phong trào Đồng khởi 1964 - 1965 ở Khánh Hòa nói chung, huyện Diên Khánh nói riêng là một chiến công rất đáng tự hào, trở thành mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, đã góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, tạo ra thế và lực mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của tỉnh bước vào một giai đoạn mới, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh giành những thắng lợi to lớn ở giai đoạn sau, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Diên Khánh tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần Đồng khởi, truyền thống quê hương anh hùng, quyết tâm chính trị cao, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Trong đó, cần tập trung thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển không gian đô thị kết nối TP. Nha Trang - Diên Khánh, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; tập trung huy động nhiều nguồn lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…