Tổ Công nghệ số cộng đồng: Thúc đẩy chuyển đổi từ cơ sở

Tổ Công nghệ số cộng đồng: Thúc đẩy chuyển đổi từ cơ sở
8 giờ trướcBài gốc
Xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 5 trụ cột là: chuyển đổi số trong cơ quan Đảng; chính quyền số; kinh tế số; xã hội số và cửa khẩu số.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng huyện Văn Lãng hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số quét mã QR code để tra cứu thông tin
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49 thì cần có một lực lượng đồng hành hỗ trợ chuyển đổi số, đưa công nghệ số, nền tảng số đến với người dân để người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh xác định tổ CNSCĐ chính là giải pháp đột phá để đưa chủ trương, đường lối, chính sach về chuyển đổi số cũng như phổ biến kiến thức, kỹ năng số, ứng dụng công nghệ số… đến với người dân. Do đó, các tổ CNSCĐ được thành lập đến từng thôn, tổ dân phố, từ đó hình thành mạng lưới triển khai công nghệ số rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 1.646 tổ CNSCĐ với hơn 9.900 thành viên. Tổ CNSCĐ thường xuyên được rà soát, kiện toàn, gồm ít nhất 5 thành viên do trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là tổ trưởng, bí thư chi đoàn thanh niên làm tổ phó. Hằng năm, 100% thành viên tổ CNSCĐ được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn định kỳ về nâng cao năng lực số, kỹ năng số và các ứng dụng của tỉnh triển khai như: ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng”, cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng phản ánh hiện trường, ứng dụng trợ lý ảo hướng dẫn thủ tục hành chính, kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin...
Song song với đó, Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực về chuyển đổi số cũng thành lập các nhóm Zalo với thành phần gồm các thành viên tổ CNSCĐ, lãnh đạo từ UBND tỉnh, huyện đến xã, phường. Lãnh đạo, chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tương tác, giải đáp, tháo gỡ những vấn đề thành viên tổ CNSCĐ gặp phải trong quá trình hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng cũng như cùng chia sẻ cách làm hay, các trường hợp điển hình trong ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất.
Từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 16 buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho trên 13.500 lượt thành viên tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng số cho hơn 6.200 lượt thành viên tổ CNSCĐ.
Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) tập huấn cho các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng
Anh Lương Đức Nam, thành viên Tổ CNSCĐ thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Thông qua các lớp đào tạo và trao đổi thường xuyên với chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông, tôi cũng như các thành viên trong tổ có thể nhanh chóng nắm được những ứng dụng số mới được triển khai trên địa bàn tỉnh, từ đó, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân để bà con có thể sử dụng các ứng dụng số một cách an toàn, hiệu quả.
Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các thành viên tổ CNSCĐ đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số; lan tỏa các nội dung về chuyển đổi số đến với người dân. Bằng cách trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, thành viên tổ CNSCĐ đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống; áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng…
Thông qua hoạt động của tổ CNSCĐ, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Người dân từ thành thị đến khu vực nông thôn đều có thể thành thạo thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Ông Hoàng Văn Soan, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây, mỗi lần đi bệnh viện khám, chưa bệnh tôi phải mang theo tiền mặt và các giấy tờ. Gần đây, các bệnh viện, trung tâm y tế triển khai chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh bằng căn cước, bản thân tôi lại được thành viên tổ CNSCĐ hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc sử dụng các ứng dụng số nên việc làm thủ tục, thanh toán viện phí rất dễ dàng, thuận lợi.
Không chỉ trường hợp trên, theo thống kê từ năm 2023 đến nay, các tổ CNSCĐ đã tham gia đào tạo kỹ năng số cho trên 228.000 lượt hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn đưa trên 20.000 sản phẩm hàng hóa, nông sản của người dân lên sàn thương mại điện tử.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân huyện Tràng Định cài đặt ứng dụng VNeID
Cùng với đó, tổ CNSCĐ góp phần nâng tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh lên hơn 70% (tăng khoảng 100.000 tài khoản so với năm 2022); phát triển 692.000 tài khoản trên nền tảng Công dân số Xứ Lạng (đạt 145% kế hoạch).
Sự tham gia của các tổ CNSCĐ đã góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,52% GRDP của tỉnh, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Thời gian tới, các nội dung về chuyển đổi số sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì vậy, các tổ CNSCĐ sẽ tiếp tục được kiện toàn, nâng cao năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, đưa các ứng dụng số đến với người dân.
Chuyển đổi số mạnh mẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn trong đời sống, sản xuất, thực hiện các thủ tục hành chính... và hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Lạng Sơn thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Nhờ hoạt động hiệu quả, mô hình tổ CNSCĐ của tỉnh Lạng Sơn đã được nhân rộng ra cả nước và giải pháp tổ CNSCĐ được Hội truyền thông số Việt Nam vinh danh là “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024” tại lễ trao giải Chuyển đổi số Việt Nam (VietNam Digital Awards-VDA) 2024 diễn ra vào đầu tháng 10/2024. Đây cũng là giải pháp đột phá giúp tỉnh Lạng Sơn đứng trong Top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số năm 2023.
THỤC QUYÊN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/to-cong-nghe-so-cong-dong-luc-luong-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-5024229.html