Tổ hợp S-200 của Ukraine 'cải lão hoàn đồng', dội hỏa lực vào mục tiêu mặt đất

Tổ hợp S-200 của Ukraine 'cải lão hoàn đồng', dội hỏa lực vào mục tiêu mặt đất
5 giờ trướcBài gốc
Tổ hợp S-200 của Ukraine “cải lão hoàn đồng”
Video do Ukraine công bố được quay tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhưng theo một số nhà quan sát, hình ảnh trong video cho thấy tên lửa được nạp vào bệ phóng đặt cố định ở nơi nào đó trên bờ Biển Đen và tấn công vào các vị trí của Nga.
Hệ thống S-200 bắn tên lửa vào mục tiêu. Ảnh: Cơ quan tình báo Ukraine
Hệ thống S-200 có từ thời Liên Xô, ra đời từ những năm 1960, đã được Ukraine đưa vào sử dụng trở lại sau khi xung đột nổ ra. Trước đó, quân đội Ukraine cho biết, S-200 đã phá hủy máy bay trinh sát tầm xa A-50 và máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, có một số đặc điểm cho thấy hệ thống phòng không S-200 đã được nâng cấp khiến nó hoạt động hiệu quả hơn. Ukraine đã sử dụng bệ phóng cố định 5P72V để phóng tên lửa, thay vì bệ phóng di động như trước đây. Kiev nhiều khả năng đã phóng tên lửa từ bệ phóng này nhiều lần, bằng chứng là dấu vết của động cơ phản lực trên mặt đất.
Việc đưa hệ thống phòng không lỗi thời quay trở lại hoạt động cho thấy nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh giao tranh ác liệt và thiếu thốn vũ khí. Điều này cũng nêu bật những thách thức trong việc khôi phục các hệ thống đã tồn tại hàng thập kỷ và tình trạng cơ sở hạ tầng quốc phòng của Ukraine. Bất chấp các gói viện trợ quân sự của phương Tây, Kiev vẫn phải phụ thuộc vào những hệ thống vũ khí lỗi thời.
S-200 (mã danh NATO là SA-5 Gammon), do cục thiết kế NPO Almaz của Liên Xô phát triển và lần đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 1967. Đây là nền tảng của hệ thống phòng không Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được thiết kế để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi máy bay ném bom tầm cao.
Hệ thống có nhiều phiên bản như S-200A Angara, S-200V Vega và S-200D Dubna. Những phiên bản ra đời sau có tầm bắn lên tới gần 300km. S-200 được sử dụng để phóng các loại tên lửa chẳng hạn như 5V28, V-860/PV, V-870 và V-880, dài gần 11m và nặng hơn 7.000kg
Tên lửa 5V28 mang theo đầu đạn phân mảnh nổ mạnh nặng 220kg, được thiết kế để phá hủy mục tiêu trong phạm vi hình nón 120 độ, cách xa hơn 200m. Một số phiên bản thậm chí còn được trang bị đầu đạn hạt nhân, phản ánh vai trò chiến lược của hệ thống trong việc ngăn chặn các mối đe dọa trên không quy mô lớn.
S-200 hoạt động dựa vào hệ thống radar phức hợp, trong đó có radar điều khiển hỏa lực 5N62 Square Pair với tầm theo dõi khoảng 270 km, và radar cảnh báo sớm 5N84A có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hơn 600 km. Tuy nhiên, hệ thống cồng kềnh này cần tới 6 bệ phóng cho mỗi tiểu đoàn và đòi hỏi hậu cần phức tạp. Các loại radar này giúp S-200 trở thành hệ thống phòng không đáng gờm, nhưng khiến nó trở nên khá cồng kềnh. S-200 đòi hỏi 6 bệ phóng cho mỗi tiểu đoàn và quá trình hỗ trợ hậu cần phức tạp.
Thách thức đối với quá trình nâng cấp S-200
Vào những năm 1980, Liên Xô bắt đầu loại bỏ S-200 để chuyển sang các hệ thống tiên tiến hơn như S-300 và S-400, có tính linh hoạt cao, tích hợp kỹ thuật số và khả năng chống lại các biện pháp đối phó điện tử. Tại Ukraine, các hệ thống S-200 thừa hưởng từ thời Liên Xô phần lớn được lưu trữ trong kho dự trữ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Hoạt động của hệ thống S-200. Nguồn: X
Đến năm 2013, Ukraine phải loại biên các hệ thống cuối cùng do chi phí bảo trì cao và tình trạng khan hiếm phụ tùng thay thế. Quyết định khôi phục hệ thống S-200 xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của Ukraine trong việc đối phó với các mối đe dọa trên không và trên bộ, trong một cuộc xung đột kéo dài khiến mạng lưới phòng thủ bị suy yếu.
Việc khôi phục S-200 trở lại trạng thái hoạt động không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các hệ thống được lưu trữ trong kho nhiều thập kỷ có thể bị hư hỏng thiết bị điện tử, linh kiện bị ăn mòn và nhiên liệu rắn của tên lửa hết hạn. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, vốn đã chịu nhiều sức ép do nhu cầu thời chiến, phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tân trang và nâng cấp với nguồn lực tối thiểu.
Không giống như các hệ thống hiện đại có thiết kế mô-đun, cấu trúc của S-200 rất cứng nhắc, khiến việc nâng cấp trở nên khó khăn. Chẳng hạn, radar 5N62 dựa vào ống chân không và không tương thích với công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Các kỹ sư có thể phải thiết kế ngược các thành phần hoặc điều chỉnh các sản phẩm thay thế. Quá trình này đòi hỏi chuyên môn và tay nghề cao.
Vào năm 2018, Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất của Ukraine khi đó là Ivan Rusnak đã chỉ ra rằng việc khôi phục các hệ thống S-200 có thể mất tới một năm. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu hệ thống S-200 được tái trang bị, nhưng nỗ lực này nhấn mạnh quyết tâm của Ukraine trong việc tối đa hóa kho vũ khí hiện có của nước này.
Những rào cản về chuỗi cung ứng càng làm phức tạp thêm quá trình nâng cấp. Các thành phần của S-200 đã bị dừng sản xuất vào những năm 1990, buộc Ukraine phải thu gom các bộ phận từ kho dự trữ của chính họ hoặc từ các đối tác thuộc Liên Xô cũ. Ukraine cũng có thể dựa vào thị trường "xám" hoặc tái sử dụng các thành phần từ các hệ thống khác thời Liên Xô, nhưng điều này đòi hỏi sự khéo léo về kỹ thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng, Kiev có thể tự sản xuất linh kiện cho hệ thống S-200 thông qua công nghệ in 3D hoặc gia công. Nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất trong điều kiện thời chiến rất khó khăn, do cơ sở hạ tầng yếu kém và các cuộc tấn công liên tiếp của Nga.
Việc vận chuyển các thành phần của hệ thống, trong đó có tên lửa dài gần 11m và các đơn vị radar hạng nặng, qua khu vực giao tranh sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Hơn nữa, không có nhiều chuyên gia hoặc kỹ sư thông thạo hoạt động của S-200, do hệ thống này đã bị loại biên từ lâu.
Quyết định khôi phục và nâng cấp hệ thống S-200 phản ánh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không hiện đại của Ukraine. Mặc dù các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống tiên tiến như Patriot hay NASAMS của Na Uy, nhưng vẫn không đủ để giúp Ukraine phòng thủ lãnh thổ rộng lớn.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgaria Military
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/to-hop-s-200-cua-ukraine-cai-lao-hoan-dong-doi-hoa-luc-vao-muc-tieu-mat-dat-post1199392.vov