Lần thứ 2 được tổ chức, triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 trưng bày, giới thiệu nhiều phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không, Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Khu vực triển lãm có tổng diện tích hơn 100.000 m2 với diện tích trưng bày trong nhà 15.000 m2 (tăng gấp đôi so với năm 2022) và ngoài trời hơn 20.000 m2. Theo ban tổ chức, gần 200 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 27 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ tham gia triển lãm.
Tổ hợp tên lửa bờ đối hạm Trường Sơn VCS-01. Ảnh: Tuấn Linh.
Đến triển lãm lần này, người dân sẽ đặc biệt quan tâm những sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu và sản xuất. Các sản phẩm quân sự này thuộc khí tài thế hệ mới, là xu hướng chiến tranh công nghệ cao, khẳng định quân đội Việt Nam từng bước tự lực, tự cường trong bảo đảm vũ khí trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Năm nay, Viettel giới thiệu trên 100 sản phẩm trong đó có hơn 80 sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao thuộc 10 ngành gồm: Radar, khí tài quang-điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác (tăng hơn 20 sản phẩm so với triển lãm năm 2022).
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ 19 đến 22/12. Ảnh: Tuấn Linh.
Nhiều sản phẩm Viettel phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu thu hút sự chú ý của người xem cũng như các đối tác trong, ngoài nước, như: hệ sinh thái máy bay không người lái (UAV), tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming), tên lửa bờ đối hạm...
Những sản phẩm nổi bật, gây chú ý nhất của Viettel:
Máy bay không người lái (UAV):
Viettel đã trình làng nhiều loại UAV khác nhau: UAV đa năng có thể bay được liên tục hơn 12 giờ, cự ly hoạt động hơn 1.000 km, trang bị kèm theo các loại vũ khí tấn công chính xác cao; UAV trinh sát có thời gian bay lên đến 6 giờ, cự ly hoạt động lên tới 70 km, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để trinh sát, chỉ thị mục tiêu; một số loại UAV tấn công cảm tử: Mẫu UAV BXL.01 sử dụng công nghệ AI trong tìm kiếm, tấn công mục tiêu, mang đầu nổ xuyên lõm nặng 1,2 kg, chuyên diệt xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành…UAV VU-C2 sải cánh 1,5 m, dài 1,1 m, trọng lượng cất cánh 8 kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, tốc độ tối đa trên 130 km/h…
Tác chiến điện tử:
Các khí tài tác chiến điện tử cả trong 3 lĩnh vực: Trinh sát điện tử, tấn công điện tử và bảo vệ điện tử, bao phủ từ cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, theo công nghệ mới nhất: Công nghệ tác chiến điện tử có nhận thức trên nền AI và được các kỹ sư Viettel làm chủ từ phần cứng, phần mềm và thuật toán.
Thông tin quân sự:
Viettel đã làm chủ các công nghệ lõi như: SDR; trí tuệ nhân tạo, các công nghệ truyền tin thích nghi băng rộng tốc độ cao; truyền tin cự ly xa, công nghệ cognitive radio, thu phát đa kênh…
Một số loại UAV tấn công cảm tử của Viettel. Ảnh: Viettel Group.
Sản phẩm phục vụ các quân, binh chủng:
Trên biển: Viettel đã nghiên cứu và phát triển các giải pháp toàn diện cho lực lượng Hải quân dựa trên mô hình tác chiến C5ISR.
Trên không: Viettel nghiên cứu chế tạo thành công gần 30 chủng loại sản phẩm khác nhau dựa trên các nền tảng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho cả 3 cấp độ tác chiến: Chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Trên đất liền: Viettel đã trang bị các trang thiết bị phục vụ trinh sát và tác chiến cho bộ binh và đặc công, tăng thiết giáp, lực lượng pháo binh…
Mô hình mô phỏng:
Viettel nghiên cứu phát triển các hệ thống mô phỏng đến thế hệ thứ 5 phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Các sản phẩm tiêu biểu là: Hệ thống mô phỏng lái máy bay, mô phỏng bắn súng, mô phỏng lái xe tăng, mô phỏng lái ô tô, hệ thống sa bàn…
Quang điện tử:
Các thiết bị có khả năng trinh sát, cảnh giới và giám sát vượt trội trong mọi điều kiện ngày/đêm với các cảm biến quang điện tử đa kênh độ phân giải cao cùng công nghệ xử lý hình ảnh được tăng cường trí tuệ nhân tạo…
Chỉ huy điều khiển:
Viettel đã làm chủ các công nghệ xử lý thông tin thời gian thực tiên tiến và kết hợp AI để xây dựng hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển hiện đại, mang lại hiệu quả tác chiến ở cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.
Hệ thống phóng và đạn của tên lửa bờ đối hạm Sông Hồng (VSM-01A). Ảnh: Tuấn Linh.
Tổ hợp tên lửa bờ đối hạm Trường Sơn VCS-01 (Vietnam Coastal Defence Missile System-01)
Là một tổ hợp vũ khí hiện đại do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu và phát triển, tổ hợp tên lửa bờ đối hạm Trường Sơn nhận sự được quan tâm lớn tại khu vực trưng bày ngoài trời.
Các thành phần cấu thành tổ hợp tên lửa "Trường Sơn" VCS-01 gồm: Xe nạp tên lửa VTRV-01; Xe chỉ huy điều khiển VCPV-01; Xe bệ phóng VLV-01; Radar cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX và đạn tên lửa “Sông Hồng” VSM-01A (tầm bắn 80km).
Xe chiến đấu bộ binh XCB-01
Một sản phẩm khác được quan tâm là xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thiết kế và chế tạo lần đầu chính thức ra mắt. Đây là phương tiện bọc thép bánh xích đầu tiên được Việt Nam nghiên cứu và chế tạo trong nước. Xe có hình dáng bên ngoài tương đồng với xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô và được trang bị tên lửa chống tăng điều khiển bằng cáp. XCB-01 có tổng trọng lượng khoảng 15 tấn.
XCB-01 dài 6,95 m, rộng 3,2 5m, cao 2,14 m chưa kể độ nâng của pháo chính. Xe sử dụng cơ cấu bánh xích có tính việt dã cao, kíp điều khiển gồm 3 người (lái xe, pháo thủ và trưởng xe). Hệ thống cảm biến laser, giúp phản ứng nhanh chóng trong trường hợp bị chiếu xạ laser chỉ thị mục tiêu của đối phương (pháo binh, tên lửa, UAV...). Trong trường hợp phát hiện bị chiếu xạ, hệ thống sẽ đưa cảnh báo để bắn lựu đạn khói tạo màn chắn giúp xe thoát ly khỏi khu vực nguy hiểm.
Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chế tạo. Ảnh: Tuấn Linh.
Cụm chiến đấu của xe XCB-01 gồm pháo chính cỡ 73 mm sử dụng hệ thống nạp đạn bán tự động, cung cấp hỏa lực áp chế với đạn xuyên và đạn nổ phá mảnh. Cùng với đó là súng máy đồng trục PTK 7,62 mm với 2.000 viên đạn và súng máy phòng không 12,7 mm trên nóc tháp pháo với 200 viên đạn. Cụm hỏa lực trên xe cung cấp khả năng áp chế mạnh mẽ với bộ binh đối phương.
Điểm mới khác biệt của XCB-01 chính là được tích hợp hệ thống điều hòa không khí giúp duy trì không khí dễ chịu trong khoang xe trong điều kiện nóng bức đặc trưng tại Việt Nam.
Là phương tiện chiến đấu bộ binh, XCB-01 có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 65 km/giờ, tốc độ bơi 7 km/giờ với động cơ diesel 300 mã lực. Thiết kế hệ thống treo giúp phương tiện có thể leo dốc đứng 30 độ, cùng khả năng vượt nhiều loại địa hình khác nhau.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 TM2 (SA-3) do Việt Nam cải tiến. Ảnh: Tuấn Linh.
Viện Vũ khí giới thiệu nhiều vũ khí mới
Đến với triển lãm, Viện Vũ khí trưng bày hệ vũ khí chống tăng thế hệ mới, vũ khí trên tàu quân sự, vũ khí dưới nước, và một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật cho lục quân và các quân, binh chủng…
Theo Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí, đây đều là những loại thế hệ mới, đa dạng về chủng loại, có tính tích hợp và hàm lượng khoa học cao, với nhiều tính năng nổi bật hơn, như: Có điều khiển, tăng tầm bắn, tăng uy lực, tăng độ chính xác bắn và tính cơ động…
Một số sản phẩm tiêu biểu là: Vũ khí chống tăng chống giáp phản ứng nổ thế hệ mới; tổ hợp súng và đạn cháy, súng và đạn nhiệt áp; pháo và đạn pháo cho hải quân; đạn nhiễu cho tàu chiến; súng và đạn chống người nhái; lựu đạn chống người nhái; đạn pháo tăng tầm theo nguyên lý mới; hệ đạn cối mẫu mới, hệ súng và đạn cối triệt âm; súng và đạn phóng lựu liên thanh; súng và đạn bắn tỉa thế hệ mới; súng trung liên, súng tiểu liên, súng ngắn thế hệ mới; vũ khí hỏa lực trên xe thiết giáp, xe tăng thế hệ mới; phần chiến đấu cho UAV, USV; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn hỗn hợp ngày - đêm; khí tài quan sát, ngắm bắn nhanh cho súng bộ binh; các loại mìn chống đổ bộ, mìn chống tăng thế hệ mới...
Ngoài ra, tại triển lãm còn trưng bày các sản phẩm của công nghiệp Quốc phòng Việt Nam như: pháo tự hành bánh hơi, tổ hợp tên lửa phòng không S-125 TM2 được cải tiến, pháo phản lực BM-21 cải tiến, tên lửa chống tăng cải tiến, tên lửa phòng không vác vai và các loại súng bộ binh…
Thu Thủy