Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang và Chi cục Kiểm lâm tỉnh trao quà của Chủ tịch nước cho thân nhân các liệt sỹ. Ảnh: baohagiang.vn
Hai liệt sỹ Trương Thị Lan và Trần Văn Khiên, những cán bộ Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh và Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên đã được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”. Đây là sự ghi nhận thiêng liêng với những con người đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho rừng, cho quê hương.
Trong một trận cháy rừng dữ dội từng khiến cả khu vực rừng đặc dụng ở độ cao 2.000m giáp ranh ba xã Phương Tiến, Xín Chải, Lao Chải thuộc huyện Vị Xuyên (Hà Giang) rung chuyển, họ đã cùng đồng đội băng rừng vượt suối, dấn thân vào tâm lửa với mong muốn giữ rừng, giữ lấy hệ sinh thái quý giá. Khi ngọn lửa bao trùm toàn bộ khu vực làm nhiệm vụ, hai đồng chí đã không thể quay trở lại. Họ ở lại - như một phần của rừng xanh.
Tại lễ trao Bằng “Tổ quốc ghi công” vừa được tổ chức ngày 16/5, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang Đào Duy Tuấn xúc động nói: “Sự hy sinh của hai đồng chí Trương Thị Lan, Trần Văn Khiên là tổn thất không gì bù đắp được đối với lực lượng Kiểm lâm, với gia đình và nhân dân. Nhưng đồng thời, đó cũng là sự tô thắm cho truyền thống vẻ vang của ngành, là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, dũng cảm, quyết tâm bảo vệ rừng đến hơi thở cuối cùng”.
Với đồng đội, họ không chỉ là những người cán bộ mẫu mực, mà còn là hình ảnh của lòng tận tụy, sự tử tế và đầy trách nhiệm trong từng bước tuần tra rừng.
Chị Lương Thị Thuyên, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh, là người chị, người bạn thân thiết của liệt sỹ Trương Thị Lan. Nhắc đến đồng nghiệp của mình, chị nghẹn ngào: “Lan là người sống rất trách nhiệm, làm việc đâu ra đó, lại giàu tình cảm. Hai chị em gắn bó với nhau từ năm 2010 đến nay. Có lần đi xe máy cùng nhau, mải mê ngắm cánh rừng xa xa, chúng tôi chẳng may lao xuống một rãnh sâu. Bò lên được, việc đầu tiên em ấy hỏi là: “Chị có sao không?”.
Mỗi chuyến lên rừng, Lan luôn nhắn tin dặn dò mọi người cẩn thận. Em không ngại khó, ngại khổ, lần nào đi tuần tra cũng chuẩn bị đầy đủ nước, khăn ướt, bánh… để chia cho anh chị em. Ngay cả khi đám cháy lan rộng, Lan vẫn nói: “Rừng đang cần mình”. Và em đã ở lại với rừng…”.
Không chỉ đồng đội, mà với gia đình, sự ra đi của liệt sỹ Trương Thị Lan để lại khoảng trống không gì bù đắp. Anh Chu Văn Nam (chồng liệt sỹ Trương Thị Lan) cố giấu đi những giọt nước mắt khi nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” từ tay lãnh đạo: “Tôi vẫn nghĩ rồi vợ tôi sẽ về như bao lần đi công tác trước. Nhưng lần này vợ đi mãi... bỏ lại chồng, hai con còn nhỏ và mọi người trong gia đình. Dù đau xót vô cùng, tôi vẫn tự hào vì vợ tôi đã sống đúng với lý tưởng và trách nhiệm của mình, đã giữ rừng bằng cả sinh mệnh…”.
Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước không chỉ là biểu tượng cao quý, mà còn là nguồn động viên tinh thần đối với gia đình các liệt sỹ. Cùng với Bằng “Tổ quốc ghi công”, thân nhân hai liệt sỹ sẽ được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành, thể hiện sự tri ân sâu sắc và trách nhiệm của Nhà nước đối với những người đã ngã xuống vì cộng đồng.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sỹ và một ngôi mộ tập thể các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hai cán bộ Kiểm lâm Trương Thị Lan và Trần Văn Khiên là những người duy nhất trong lực lượng kiểm lâm được an táng tại đây. Trong rừng bia ghi danh những người lính, tên hai anh chị như một nhịp nối đặc biệt giữa chiến tranh giữ nước và cuộc chiến không tiếng súng giữ rừng - giữ lấy hơi thở của thiên nhiên hôm nay.
Họ đã chọn một cuộc đời lặng thầm, giữ rừng như giữ chính ngôi nhà mình. Và rồi, họ rời đi - trong khói lửa - nhưng để lại ánh sáng vĩnh hằng. Không ai có thể thay thế được những người con đã nằm lại với rừng, nhưng ngọn lửa họ thắp lên cho tình yêu thiên nhiên, cho lý tưởng sống cống hiến, sẽ còn mãi với thời gian.
Minh Tâm (TTXVN)