Phán quyết được đưa ra sau khi Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) và Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đệ đơn kiện, cáo buộc chính quyền Cộng hòa đã đưa ra các hướng dẫn quá mơ hồ và xâm phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất (một điều trong Hiến pháp Mỹ) của giáo viên.
Vụ kiện khởi phát từ yêu cầu của chính quyền Trump đối với 50 bang, buộc các bang phải cam kết rằng khối trường công trong khu vực sẽ không triển khai bất kỳ chương trình nào vi phạm định nghĩa của chính phủ liên bang về Đạo luật Dân quyền năm 1964.
Thẩm phán Landya McCafferty (New Hampshire) khẳng định các chỉ đạo của chính quyền tạo ra rủi ro kiểm duyệt giáo viên và làm tê liệt hoạt động giáo dục.
Bà nhận định đây là hành vi phân biệt đối xử, vi phạm Tu chính án thứ Nhất, đồng thời bác bỏ định nghĩa của chính quyền ông Trump về DEI là bất hợp pháp và không phù hợp với cách hiểu thông thường.
“DEI là một khái niệm rộng, người ta có thể hình dung ra nhiều cách hiểu khác nhau về giá trị của đa dạng, công bằng và hòa nhập khi mô tả một chương trình hoặc thực hành cụ thể,” bà viết.
Thẩm phán McCafferty cũng nhận định rằng các sáng kiến DEI bị loại bỏ, các trường có thể buộc phải dừng giảng dạy về chủ đề sắc tộc hoặc kiểm duyệt giáo viên khi đề cập đến phân biệt chủng tộc.
Sinh viên các trường đại học Mỹ biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Ảnh: KVAL
Tại Maryland, Thẩm phán Stephanie Gallagher, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm, cũng tạm hoãn hiệu lực bản ghi nhớ ngày 14/2 của Bộ Giáo dục, cho rằng văn bản này được ban hành sai quy trình và buộc giáo viên phải tự kiểm duyệt để tránh bị trừng phạt.
Bà Gallagher viện dẫn Đạo luật Tổ chức Bộ Giáo dục năm 1979, theo đó bộ không có quyền điều phối chương trình học hay lựa chọn tài liệu giảng dạy.
Bộ Giáo dục hiện chưa đưa ra bình luận, song được cho là sẽ kháng cáo cả hai phán quyết.
Chủ tịch NEA, bà Becky Pringle, hoan nghênh các phán quyết, cho rằng “phán quyết hôm nay cho phép các nhà giáo dục và trường học hành động vì lợi ích của học sinh, chứ không phải bị chi phối bởi các biện pháp trừng phạt và đe dọa phi pháp”.
Trước đó, trong bản ghi nhớ ngày 14/2 dưới hình thức thư gửi các đồng nghiệp, Bộ Giáo dục lập luận rằng các chương trình DEI đã bị thúc đẩy quá mức, gây thiệt thòi cho học sinh da trắng và gốc Á. Văn bản này đồng thời mở rộng cách hiểu phán quyết năm 2023 của Tòa án Tối cao, vốn chỉ giới hạn việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong quy trình tuyển sinh đại học, sang nhiều lĩnh vực khác như tuyển dụng, học bổng, lễ tốt nghiệp và đời sống học đường.
Xem thêm: Harvard kiện chính phủ liên bang sau khi bị ông Trump cắt tài trợ
Đầu tháng Tư, Bộ Giáo dục tiếp tục yêu cầu các bang thu thập chữ ký xác nhận từ các trường học, cam kết tuân thủ luật dân quyền liên bang và không thực hiện các thực hành mà chính phủ cho là “vi phạm luật liên bang” trong khuôn khổ DEI. Mặc dù không có hiệu lực như một đạo luật, các chỉ đạo này cảnh báo rằng trường học có thể bị kiện tụng, cắt trợ cấp hoặc mất hợp đồng liên bang nếu tiếp tục duy trì các chương trình bị coi là phân biệt đối xử.
Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon cảnh báo các bang có thể mất ngân sách, bao gồm cả nguồn Title I, khoản hỗ trợ liên bang lớn nhất dành cho trường phổ thông ở khu vực thu nhập thấp, nếu không nộp biểu mẫu đúng hạn.
Khánh Vân