Bộ Ngoại giao Bulgaria chỉ trích lệnh bắt giữ do ICC ban hành đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 22/11, phản ứng trước việc ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và cựu lãnh đạo nhánh quân sự thuộc Phong trào Hamas ở Palestine Muhammad Deif (Ibrahim Masri), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Czech Daniel Drake tuyên bố, trong trường hợp có lệnh bắt giữ quốc tế, hành động của văn phòng công tố và cảnh sát "không phải là một quyết định chính trị".
Trong khi đó, Thủ tướng Czech Petr Fiala cũng coi quyết định của ICC là "điều đáng tiếc".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bulgaria cũng đã chỉ trích lệnh bắt giữ do ICC ban hành nói trên.
Trong tuyên bố, bộ này bày tỏ mối quan ngại về các lệnh bắt giữ, nhấn mạnh rằng các lệnh đó "không phân biệt được giữa trách nhiệm đối với các cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 với các hành động tự vệ của Israel để đáp trả".
Tuyên bố nhấn mạnh, Bulgaria khẳng định sự ủng hộ của mình đối với vai trò của ICC trong việc điều tra các tội ác nghiêm trọng theo luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối bất kỳ sự thao túng chính trị nào đối với công việc của tòa án.
Sofia chỉ ra rằng, giải pháp thực sự cho nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông nằm ở việc mở ra một cuộc đối thoại chính trị và các lệnh bắt giữ như vậy không giúp thúc đẩy quá trình đó.
Bulgaria tái khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và đảm bảo việc thả con tin.
Trước đó, ngày 21/11, các thẩm phán của ICC xác định có căn cứ hợp lý để buộc Thủ tướng Israel Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và thủ lĩnh Hamas Deif "phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc thực hiện từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5/2024", tức ngày đơn xin lệnh bắt được nộp.
Đối với các ông Netanyahu và Gallant, ICC đã trích dẫn các cáo buộc "cùng phạm tội ác chiến tranh và gây ra nạn đói như một phương thức tiến hành chiến tranh”
Bên cạnh đó, ICC nhấn mạnh rằng, cả hai nhà lãnh đạo Israel trên "đều ngăn cản việc chuyển thuốc men đến Gaza, đồng nghĩa thiếu thuốc gây mê và dụng cụ gây mê, do đó các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cho những người bị thương và thậm chí thực hiện việc cắt chi, kể cả trẻ em, mà không gây mê".
Hải An